Theo ông, việc giao các tập đoàn Nhà nước đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) sẽ có thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức gì?
Trước tiên, để triển khai các dự án nhà máy ĐHN, chúng ta cần phải có đầy đủ các hạ tầng pháp lý như Luật Hạt nhân và các văn bản hướng dẫn liên quan, cũng như xây dựng các cơ sở, trang bị phương tiện tương ứng đáp ứng các yêu cầu của luật và qui định.

Ông Trần Anh Thái,
Chúng ta cũng phải có các cơ quan nghiên cứu tương ứng để có thể triển khai các giải pháp phù hợp đảm bảo cao nhất việc khai thác các nhà máy và cơ sở hạt nhân đã được xây dựng. Chúng ta cũng cần các công ty đủ năng lực để triển khai cũng như quản lý vận hành sau này. Các sự cố hạt nhân lớn trên thế giới đã cho thấy tầm quan trọng của năng lực quốc gia phải sẵn sàng trong tình huống này.
Nguồn nhân lực phục vụ chương trình ĐHN cần phải đủ năng lực và nắm vững kiến thức của ĐHN, để đào tạo được họ đòi hỏi chúng ta phải có một chương trình và kế hoạch tổng thể cấp quốc gia được xây dựng một cách bài bản. Sẽ tốn thời gian khá dài để có những đội ngũ và các chuyên gia đầu đàn mà chúng ta cần phải có.
Do tầm quan trọng đặc biệt của 2 nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam đi kèm các rủi ro ngay từ giai đoạn đầu tư xây dựng cho đến quá trình vận hành sau này nên việc Nhà nước phải “độc quyền” là sự lựa chọn duy nhất và nó là một dạng “độc quyền bắt buộc” chứ không thể có cách xem xét để có lựa chọn khác nữa.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ EVN và PVN làm chủ đầu tư và quản lý vận hành 2 nhà máy ĐHN là quyết định đúng đắn trên cơ sở năng lực, kinh nghiệm của 2 đơn vị này.
Phải hoàn thiện quy định để đảm bảo an toàn
Theo ông, cần những yếu tố gì đảm bảo an toàn khi Việt Nam phát triển ĐHN?
Vấn đề an toàn của ĐHN phụ thuộc vào một số yếu tố. Phụ thuộc vào thiết kế, hoặc chế tạo thiết bị không đảm bảo chất lượng, hoặc không tuân thủ đầy đủ quy định yêu cầu về an toàn hạt nhân, và đặc biệt là yếu tố con người. Các sự cố hạt nhân lớn đã xảy ra chủ yếu do yếu tố con người. Ví dụ Chernobyl hay Fukushima.
Công nghệ ĐHN hiện nay đã trải qua quá trình hơn 70 năm kinh nghiệm phát triển, xây dựng lắp đặt và vận hành các tổ máy. Đặc biệt sau sự cố Fukushima, là sự cố liên quan đến thiên tai (sóng thần) cùng với sự chủ quan của con người (Tập đoàn Điện lực TEPCO và Cơ quan Pháp quy hạt nhân Nhật Bản NISA), ĐHN thế giới đã trải qua quá trình kiểm tra lại tất cả các nhà máy, đặc biệt đưa ra các yêu cầu mới khắt khe về đảm bảo an toàn hạt nhân. Các thiết kế mới ĐHN tiên tiến cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu an toàn hậu Fukushima.
Việc xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành các tổ máy phải được giám sát chất lượng rất nghiêm khắc. Vận hành phải đúng mọi quy trình và quy định. Đặc biệt, một số công nghệ mới nhất đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI để đảm bảo an toàn hạt nhân. Cùng đó, đội ngũ nhân lực phải được đào tạo chính qui với đầy đủ khả năng và giỏi để vận hành an toàn nhà máy. Có thể nói thế giới đang có các yêu cầu rất chặt chẽ với việc đảm bảo an toàn của các cơ sở năng lượng hạt nhân, đặc biệt trong bối cảnh ĐHN đang trở thành nguồn điện quan trọng trong chương trình cân bằng phát thải CO2 để chống biến đổi khí hậu.
Đảm bảo an toàn cho ĐHN là nghĩa vụ của các quốc gia sở hữu ĐHN và của cả thế giới. Bất kỳ sự cố hạt nhân xảy ra ở đâu, cũng đều sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển ĐHN trên khắp thế giới. Nếu Việt Nam chưa xây dựng đủ các điều kiện để đảm bảo an toàn thì các đối tác của chúng ta và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ không cho phép chúng ta xây dựng, vận hành.

Mô hình công nghệ lựa chọn cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trong giai đoạn trước đây. Ảnh: Hồng Kỳ
Vậy Việt Nam cần lưu ý gì khác khi triển khai các dự án ĐHN thời gian tới?
Yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần tập trung vào thời điểm này là đào tạo nguồn nhân lực đầy đủ cả kiến thức và ý thức hay văn hóa hạt nhân. Chúng ta cần chú trọng phát triển cả 3 nhóm nhân lực cho ĐHN, gồm: Nhân lực cho quản lý và vận hành nhà máy ĐHN, nhân lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân và nhân lực cho khoa học, nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật hạt nhân. Đây là trụ cột quan trọng của bất kể chương trình ĐHN nào ở các quốc gia. Nhân lực cho quản lý và vận hành sẽ cần phải được đào tạo bởi đối tác do các đặc điểm riêng về công nghệ hạt nhân của các đối tác khác nhau.
Nhân lực cho khoa học, nghiên cứu hạt nhân chính là đội ngũ chuyên gia về công nghệ ĐHN và an toàn hạt nhân. Họ là những người (thuộc đơn vị nghiên cứu, trường đại học…) hiểu rõ (hoặc luôn luôn nỗ lực nghiên cứu để hiểu rõ) những quá trình xảy ra trong một nhà máy ĐHN với đặc thù của từng quốc gia.
Với đội ngũ nghiên cứu đầu đàn của mình (đây gọi là năng lực khoa học công nghệ quốc gia), họ có thể dự báo những vấn đề gì có thể xảy ra với nhà máy, làm sao có thể loại bỏ những vấn đề có thể xảy ra, làm gì để phòng ngừa những vấn đề đó, và nếu xảy ra trục trặc hay sự cố thì có những cách gì có thể dự báo, ngăn ngừa sự cố và giảm thiểu hậu quả của sự cố (mặc dù, theo thiết kế thì xác suất các vấn đề hay sự cố là vô cùng nhỏ).
Phát sinh chi phí lớn
Đã có ý kiến về việc sau Ninh Thuận 1 và 2, Việt Nam có thể lựa chọn các công nghệ mới nhất cũng như công nghệ mô đun lò phản ứng công suất nhỏ (300MW). Nhiều ý kiến cho rằng, với nhu cầu điện của Việt Nam, việc xây dựng nhiều nhà máy nhỏ cũng là một lựa chọn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thứ nhất, theo thông tin mà tôi nắm được, công nghệ lò mô đun nhỏ (SMR) đang được nhiều nước nghiên cứu, thiết kế và nỗ lực triển khai. Hiện có hơn 80 thiết kế từ nhiều nước, trong số đó chỉ có khoảng 10 thiết kế là có tính khả thi cao. Đến thời điểm hiện nay chỉ có Nga đã vận hành lò hạt nhân nổi FNPP (một dạng của SMR), và Trung Quốc đang trong giai đoạn hoàn thành để đưa vào vận hành SMR trên bờ đầu tiên trên thế giới, tại đảo Hải Nam. Các thiết kế còn lại vẫn chủ yếu đang ở dạng thử nghiệm, cần một số năm nữa theo để có thể thương mại hoá và đủ kinh nghiệm để triển khai đại trà.
Thứ hai, lò SMR chưa được thương mại hoá nên chưa có kiểm chứng thực tế. Ví dụ, có nhiều thiết kế SMR dùng kim loại lỏng để tải nhiệt ra khỏi tâm lò, nhưng vấn đề tải nhiệt bằng kim loại lỏng chưa được nghiên cứu đầy đủ trên thế giới, và chúng ta có thể gặp phải những vấn đề khoa học phức tạp chưa bao giờ biết. Đối với lò dùng nước nhẹ làm mát công suất lớn, thế giới đã có hơn 70 năm nghiên cứu và kinh nghiệm vận hành, có thể nói là chúng ta đã nắm khá đầy đủ về các vấn đề khoa học.
Lò công suất lớn (khoảng 1.000 MWe) với công nghệ tiên tiến thế hệ III+ chủ yếu là lò làm mát bằng nước nhẹ, phổ biến trên thế giới, đã được kiểm chứng. Do đó, sự lựa chọn mà Việt Nam nên cân nhắc sẽ là những lò công suất lớn thế hệ III+. Chúng ta tất nhiên là sẽ nghiên cứu đến SMR, và chỉ khi SMR đã được kiểm chứng, an toàn, kinh tế, không tồn tại vấn đề lớn về xử lý chất thải phóng xạ, thì hãy xem xét như là lựa chọn cho tương lai. SMR có nhiều khả năng để thay thế các nhà máy nhiệt điện phải đóng cửa, tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, chúng ta cần thời gian để công nghệ đó chín muồi.
Theo ông, Bộ Công Thương, EVN, PVN cũng như các bộ, ngành khác như Bộ KH&CN, cần làm gì để chuẩn bị cho việc khởi động dự án ĐHN từ đào tạo nhân lực, chuẩn bị hạ tầng, con người vận hành, và cả về việc huy động vốn, trong bối cảnh ngành điện đang gặp nhiều khó khăn?
Các chủ đầu tư khi được xác định cụ thể và giao nhiệm vụ từ Chính phủ sẽ phải nhanh chóng trực tiếp xúc tiến nhiệm vụ liên quan đến Dự án ĐHN như chọn đối tác, đàm phán hiệp định xây dựng nhà máy, hiệp định vay vốn đầu tư, phương thức hợp tác, góp vốn, đào tạo nhân lực cho vận hành nhà máy sau này, triển khai dự án theo quy định của pháp luật, cũng như thông tin truyền thông cho công chúng…
Theo tôi, Bộ KH&CN cần xây dựng Chương trình nghiên cứu quốc gia để xây dựng và nâng cao năng lực khoa học, công nghệ liên quan đến ĐHN của Việt Nam để đảm bảo an toàn cho các nhà máy ĐHN một cách lâu dài.
Song song với Chương trình nghiên cứu là Kế hoạch đào tạo nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu và cán bộ đầu đàn về công nghệ và an toàn hạt nhân. Nghiên cứu và đào tạo phải đi cùng và bổ sung cùng nhau. Đào tạo các khoá ngắn hạn cho cán bộ quản lý, cho cán bộ kỹ thuật nâng cao… cũng cần được giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ, nơi có viện nghiên cứu quốc gia về năng lượng nguyên tử và hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam).
Về phía Bộ GD&ĐT, sẽ đảm nhận nhiệm vụ đào tạo cử nhân, kỹ sư ĐHN để sau này vận hành, làm việc tại các nhà máy ĐHN. Đào tạo trong nước phối hợp cùng đào tạo ở nước ngoài. Phối hợp với đối tác xây dựng nhà máy ĐHN.
Tuy nhiên, tất cả các công việc đều phải cần tiền, nếu không có đủ tiền thì rất khó có thể triển khai thành công được 2 dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2.
Và cũng xin nhắc lại là các dự án ĐHN trên thế giới đều có ghi nhận về kéo dài đáng kể tiến độ và phát sinh lớn về chi phí.
Cảm ơn ông.