
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường vừa ký ban hành Quyết định số 340 về việc duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Khu đô thị này tọa lạc tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ).
Dự án có diện tích lập quy hoạch khoảng 2.870ha, gồm 4 phân khu A, B, C và D-E. Mục tiêu phát triển dự án thành khu đô thị du lịch biển, nghỉ dưỡng, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở và khách sạn.
Trong đó, phân khu A có diện tích khoảng 953,23ha, được quy hoạch là khu ở sinh thái gắn với dịch vụ du lịch khu vực cửa ngõ Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Phân khu B có diện tích khoảng 659,87ha, là khu ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ...), khu cây xanh đô thị và khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo định hướng đô thị hiện đại và thông minh.

Phân khu C có diện tích khoảng 318,32ha, là khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, khu đô thị hiện đại gồm các khu nhà ở (nhà ở liên kế (hạn chế), biệt thự, nhà ở cao tầng) hiện đại, văn minh. Phân khu D khoảng 480,46ha là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự) đảm bảo tiêu chí hiện đại và thông minh. Phân khu E khoảng 458,12ha là mặt nước, kênh dẫn và cây xanh sử dụng cấp đô thị.
Theo quy hoạch, về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trọng tâm, phân khu A có công trình điểm nhấn là nhà hát, công trình thương mại dịch vụ, sân golf. Phân khu B có điểm nhấn là sân vận động, công trình văn hóa thể thao và khu nhà ở xã hội.
Đáng chú ý, công trình điểm nhấn tại phân khu C là cụm công trình trung tâm thương mại và tháp biểu tượng cao 108 tầng nằm ở khu vực mũi Hải Đăng, trục đường chính cảnh quan. Phân khu D-E là phân khu du lịch và nghỉ dưỡng, gồm khu ở sinh thái, cây xanh, công viên, khu du lịch nghỉ dưỡng. Quy mô dân số Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tối đa 228.506 người. Quy mô khách du lịch trên toàn dự án 2.870ha là khoảng 8,88 triệu lượt/năm.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ triển khai từ tháng 4 năm nay
Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư tháng 6/2020, dự án được tăng quy mô đầu tư từ 600ha lên 2.870ha. Tổng vốn đầu tư hơn 217.050 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu gần 33.000 tỷ đồng.
Dự án hoạt động 50 năm, tiến độ triển khai trong 11 năm. Công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ là chủ đầu tư, dự kiến thực hiện dự án từ tháng 4/2025. Tổ hợp này dự kiến hoàn thành vào năm 2030.

Vào cuối năm ngoái, chủ đầu tư cho biết kiến triển khai khu đô thị lấn biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha từ tháng 4/2025 và hoàn thành vào năm 2030.
Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ - chủ đầu tư dự kiến thực hiện dự án từ tháng 4/2025. Tổ hợp này có thể hoàn thành vào 2030.
Khu đô thị lấn biển trên dự kiến có tổng mức đầu tư trên 282.800 tỷ đồng. Phần lấn biển cần khoảng 65.600 tỷ, hạ tầng kỹ thuật hơn 32.500 tỷ, còn lại là đầu tư công trình kiến trúc khoảng 184.700 tỷ dồng.
Khi hình thành, dự án kỳ vọng trở thành nơi sinh sống của hơn 228.000 người - gấp 3 lần dân số Cần Giờ hiện tại, thu hút gần 9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và tạo ra hơn 36.000 việc làm.
Là địa phương duy nhất tiếp giáp biển, Cần Giờ được biết đến như "lá phổi xanh" của TP HCM với khu dự trữ sinh quyển thế giới. 30 năm tới, thành phố muốn đưa Cần Giờ từ một huyện đảo nghèo, trở thành thành phố biển nghỉ dưỡng và trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh dự án khu đô thị du lịch lấn biển, TP HCM còn có dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD.
Khu lấn biển đầu tiên ở Việt Nam thuộc TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Khu lấn biển về phía Tây Rạch Giá để mở rộng đô thị mới rộng 420 ha thuộc các phường Vĩnh Bảo, Vĩnh Lạc và An Hòa; khu lấn biển 16ha thuộc phường Vĩnh Thanh Vân, giải quyết đất ở cho 60.000 người dân và xây dựng các công trình công ích xã hội, trụ sở cơ quan, ban ngành.
Khu lấn biển hướng ra vịnh Thái Lan đã tạo điều kiện mở rộng thành phố (tăng thêm 2 phường mới) và hình thành những khu đô thị mới nhất. Thành phố trở thành điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư, du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở ra sinh kế, việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.