Mở đầu bài viết, vị lãnh đạo của FPT đặt câu hỏi: “Bạn có biết Việt Nam với trên 100 triệu dân mà chỉ có 735.000 doanh nghiệp, trong khi đó Malaysia chỉ với 34,11 triệu dân mà có 1.173.601 doanh nghiệp, Thái Lan (65,93 triệu dân) có 3.187.378 doanh nghiệp, còn Indonesia có đến 65.465.497 doanh nghiệp, mặc dù dân số là 282,48 triệu dân?”.
Ông cho biết, Việt Nam phải trung bình 136,68 người dân mới có một doanh nghiệp. Con số ấy của Malaysia là 29,06, Thái Lan là 20,68, Singapore là 20,23, còn Indonesia là 4,31.
Ngoài ra, con số này của Mỹ là 10,24 và Hàn Quốc là 8,2 (các số liệu trên là của Ngân hàng phát triển Châu Á - ADB, năm 2022, công bố năm 2023).
Ông Bảo đặt câu hỏi: “Tại sao số doanh nghiệp của Việt Nam lại ít thế? Tại kinh tế của chúng ta chưa phát triển chăng?
Chẳng phải, Philippines thua chúng ta về GDP đầu người, nhưng số người dân có một doanh nghiệp của họ cũng thấp hơn (103,26), Indonesia chỉ hơn chúng ta một chút về GDP đầu người mà số doanh nghiệp của họ gấp chúng ta đến 89 lần, trong khi dân số chỉ gấp chưa đến 3 lần”.

Ông Đỗ Cao Bảo - thành viên HĐQT Tập đoàn FPT
Theo vị lãnh đạo của FPT, nguyên nhân ở việc Việt Nam có khái niệm hộ kinh doanh, còn các nước khác không có khái niệm hộ kinh doanh.
Ở các quốc gia khác, đã kinh doanh thì đều là doanh nghiệp, tất cả đều phải đăng ký kinh doanh, có mã số thuế, quyết toán thuế và nộp thuế đầy đủ.
Thông thường, người ta đưa phân chia các doanh nghiệp ra làm các nhóm sau: doanh nghiệp lớn (trên 100 lao động), doanh nghiệp vừa (20 đến 99 lao động), doanh nghiệp nhỏ (5 đến 19 lao động), và doanh nghiệp siêu nhỏ (1-4 lao động).
"Đa số người Việt Nam, nghĩ rằng đã là doanh nghiệp là phải lớn, giám đốc là hoành tráng, thế nên không chấp nhận doanh nghiệp chỉ có 1 - 2 người, thành thử mới coi hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp.
Thế là hộ kinh doanh được quản lý theo một cách riêng, thuế khoán chứ không nộp thuế theo các loại hình thuế thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp thông thường", ông Bảo cho hay.
Ông Bảo giả định, bằng cách nào đó, chúng ta chuyển 80% hộ kinh doanh phi nông nghiệp sang thành công ty siêu nhỏ và nhỏ thì khi ấy Việt Nam chúng ta sẽ có 4,8 triệu doanh nghiệp.
Khi ấy, mọi thông số về doanh nghiệp của chúng ta sẽ trở lại giống các nước khác, không bất thường nữa (số lao động trung bình, số người dân trung bình tạo ra một doanh nghiệp).
Cuối cùng, ông kết luận: “Tôi nghĩ đã đến thời điểm chúng ta bỏ khái niệm hộ kinh doanh, chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hết cho giống với quốc tế.
Chúng ta đã vượt Philippines, sắp ngang bằng Indonesia về GDP đầu người, lẽ nào cứ tụt hậu về những cái cơ bản nhất của nền kinh tế thị trường: định nghĩa về doanh nghiệp tư nhân.
Khi ấy chẳng phải tranh luận doanh nghiệp tư nhân chiếm bao nhiêu phần trăm GDP, hiểm nhiên là nó lớn gấp hơn 2 lần doanh nghiệp FDI”.