Trình bày tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế sáng 21/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2025 dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhưng cũng có các cơ hội, thời cơ mới từ sự thay đổi của cục diện kinh tế, chính trị thế giới, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại, đầu tư toàn cầu và các xu thế lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số, kinh tế xanh...

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP Nhật Bắc)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh 8 động lực cho tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương năm 2025 bao gồm: Đầu tiên là những thành tựu của đất nước, các ngành, lĩnh vực, địa phương sau 40 năm Đổi mới, tạo vị thế, uy tín và động lực cho tăng trưởng cao trong thời gian tới; Áp dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm đã được Trung ương, Chính phủ tổng kết trong công tác chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, nhất là trong năm 2024; Tư duy mới, cách làm mới, thể chế mới và các chính sách, giải pháp linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM và các địa phương được áp dụng cơ chế thí điểm, đặc thù; Hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp đó là các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, không gian, động lực phát triển mới từ các dự án hạ tầng chiến lược, các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng; Quốc hội đã cho phép điều chỉnh các chỉ tiêu lạm phát, bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài...,tạo điều kiện để đẩy mạnh các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng; Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước; các nguồn lực bị ách tắc, lãng phí được đưa ngay vào nền kinh tế.
Cuối cùng là chính sách, quy định mới, đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án
Ông Phương nhấn mạnh giải pháp cần thiết trong thời gian tới là tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án.
Ngoài ra là xóa bỏ định kiến về doanh nghiệp, dân doanh; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, quy định mới, đột phá, quy định "luồng xanh" cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 57; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các chính sách mới, đột phá đã được Quốc hội cho phép thí điểm về đầu tư, tài chính, đấu thầu...để tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ông Phương cũng kiến nghị cần rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó ở cấp nào thì cấp đó chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, hoàn thiện.
Tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành.
Xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên. Năm 2025, phấn đấu đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, nhất là các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: " Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc ".
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến ngày 31/1/2025 là 635,6 nghìn tỷ đồng, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 93,12%).
Các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết 741,1 nghìn tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch Thủ tướng giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 84,8 nghìn tỷ đồng.