Thỏi nam châm hút FDI
Theo các chuyên gia, việc phát triển điện hạt nhân không chỉ để đảm bảo an ninh năng lượng mà còn giúp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế.
Việt Nam vốn là điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài do chi phí nhân công thấp, chính sách đầu tư thuận lợi, có nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương. Tuy nhiên, việc không đủ nguồn điện hoặc lưới điện có thể ảnh hưởng đến thu hút FDI và chiến lược phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới có thể khắc phục nguy cơ này.
TS. Hoàng Sỹ Thân, Trưởng Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam), phân tích, thế mạnh lớn nhất của điện năng lượng hạt nhân chính là chi phí vận hành, sản xuất rẻ: “Hiện nay, nước ta có các nhà máy nhiệt điện khác nhau như nhiệt điện than, nhiệt điện khí. Hai dạng nhà máy này có yếu tố bất định đó là chi phí vận hành phụ thuộc vào giá nhập khẩu các nguyên liệu. Giá than, khí đốt biến động theo quý, theo tháng nên có thể làm tăng chi phí.
Còn nhiên liệu của nhà máy điện hạt nhân tính theo vòng đời là rất rẻ, lại ổn định. Khi đã ký hợp đồng với đối tác, chúng ta có thể vận hành nhà máy điện hạt nhân từ 60 - 80 năm mà không cần phải lo đến biến động về giá cả nhiên liệu. Đây là ưu thế cực lớn của điện hạt nhân so với các nhà máy điện khí. Chi phí rẻ sẽ tạo thuận lợi để Việt Nam ổn định nguồn cung điện, đảm bảo nhu cầu của doanh nghiệp quốc tế đến đầu tư. Bởi vì trên thực tế, giá điện cạnh tranh từ lâu nay vẫn là một yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư”.

Điện hạt nhân góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, thu hút vốn FDI. (Ảnh minh họa)
Phân tích thêm về việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam sẽ góp phần lớn vào thu hút vốn FDI, ông Thân cho biết, chất lượng điện của hệ thống điện ở nước ta chưa tốt, chưa ổn định để đáp ứng nhu cầu cho các ngành công nghiệp, các nhà máy chế tạo chip bán dẫn.
Còn điện hạt nhân là nguồn điện có độ ổn định cao và không phát thải khí CO2 nên rất thích hợp để làm nguồn điện nền. Khi có hệ thống điện hạt nhân, chất lượng điện ở Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều, đáp ứng được điều kiện để các đối tác nước ngoài xây dựng nhà máy công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.
Ngoài ra, điện hạt nhân hiện cũng đang được các nước trên thế giới coi là một nguồn điện xanh, sạch nên nguồn vốn FDI được ưu tiên tìm đến những nguồn điện này để đầu tư, để đảm bảo sự lâu dài, ổn định trong các khoản đầu tư của họ.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển, vận hành nhà máy điện hạt nhân còn giúp các ngành công nghiệp phụ trợ có cơ hội phát triển theo. Có thể nhìn thấy ngay như ngành xây dựng, ngành cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin điều khiển trong nhà máy… có thể phát triển song song với điện hạt nhân. Đây cũng là yếu tố thu hút FDI, khi các doanh nghiệp nước ngoài có thể phát triển những ngành này ở Việt Nam.
Đồng tình với những quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định, phát triển điện hạt nhân sẽ góp phần tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn. Vì so với các loại hình cung cấp nguồn điện khác thì nhà máy điện hạt nhân sẽ góp phần cung cấp sản lượng điện đủ và ổn định hơn.
“Điều này rất quan trọng góp phần lan tỏa vị thế Việt Nam là một điểm đến an toàn để đầu tư với doanh nghiệp quốc tế vì họ luôn quan tâm đến việc có đủ điện, ổn định và sạch hay không” , ông Thành nói.
Lựa chọn tất yếu cho an ninh năng lượng
Tác động dễ nhận thấy nhất từ việc phát triển điện hạt nhân đó là đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh. Đặc biệt, với mức tăng trưởng GDP dự kiến 8% năm 2025 và 10% giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu điện sẽ tăng cao, nguy cơ thiếu điện cục bộ rất dễ xảy ra.
PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh: " Để đáp ứng mục tiêu phát triển trong các năm tới thì xây nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam là việc không thể không làm lúc này ". Bởi lẽ, nhu cầu điện rất lớn trong khi nhiều dự án nguồn điện chạy nền - lưới điện trong Quy hoạch điện VII đang chậm tiến độ hoặc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách…Việt Nam vì thế đang đối diện thách thức lớn về an ninh năng lượng, cần đa dạng hóa nguồn cung và phát triển năng lượng tái tạo với chiến lược hợp lý để đảm bảo ổn định và bền vững.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, nhu cầu điện của Việt Nam dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp 15 lần vào năm 2050 so với hiện nay. Quy hoạch điện VIII, tổng công suất nguồn điện đặt mục tiêu đạt 150.489 MW vào năm 2030 và khoảng 490.529 - 573.129 MW vào năm 2050.

Phát triển điện hạt nhân là lựa chọn tất yếu cho an ninh năng lượng.
Dù có sự bùng nổ mạnh mẽ từ năm 2019 đến nay nhưng năng lượng tái tạo cũng đang chững lại do thiếu cơ chế cũng như tính ổn định về nguồn. Nhiều số liệu cho thấy tỷ lệ các nguồn điện mặt trời và điện gió đã từ gần như 0% vào năm 2018 lên lần lượt 12% và 7% vào năm 2024. Hiện điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới 9 GW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) kéo theo tình trạng "nghẽn" đường truyền tải. Điện gió đạt trên 5.000 MW, song cũng như điện mặt trời, cả hai nguồn này đều phụ thuộc vào thời tiết, đòi hỏi đầu tư công nghệ lưu trữ và nâng cấp hạ tầng.
Với việc Việt Nam hiện chủ yếu dựa vào năng lượng hóa thạch, trong đó than đá chiếm tỷ trọng lớn, cũng phần nào gây tác động tiêu cực đến môi trường.
Trong bối cảnh này, theo ông Long, điện hạt nhân là giải pháp chiến lược cho việc cung cấp năng lượng ổn định, hiệu suất cao và phát thải CO2 thấp. Với ưu thế các nhà máy điện hạt nhân có thể hoạt động liên tục, không phụ thuộc thời tiết, với công suất khả dụng lên tới 92%, cao hơn nhiều so với điện khí hay năng lượng tái tạo và mức phát thải CO2 tương đương năng lượng gió và thấp hơn điện mặt trời, phát triển các dự án điện hạt nhân sẽ là một giải pháp chiến lược cho Việt Nam trong các năm tới.
" Việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân là lựa chọn chiến lược và tất yếu của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, áp lực giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng ", ông Long nhấn mạnh.
Còn theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió và điện mặt trời Bình Thuận, nếu không có điện hạt nhân sẽ rất khó đảm bảo nguồn điện cho phát triển đất nước, chưa nói đến thực hiện cam kết Net Zero.
" Nhiều năm nay không có nguồn điện mới nào thực sự đủ lớn trong khi nhu cầu ngày càng tăng. Việc cắt điện luân phiên đã làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của chúng ta. Trong bối cảnh vừa nỗ lực phát triển kinh tế đất nước, vừa kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư về công nghệ cao thì để đảm bảo đủ nguồn điện tin cậy, an toàn, bền vững, chắc chắn không nguồn điện nào ổn định như điện hạt nhân ", ông Thịnh cho hay.
Trong khi đó, TS. Hoàng Sỹ Thân cho rằng, điện hạt nhân cũng đang là một xu thế tất yếu trên thế giới với gần 400 tổ điện hạt nhân đang vận hành trên 32 quốc gia.
Trong 10 - 12 năm tới, công suất điện hạt nhân trên toàn thế giới được dự đoán tăng gấp 3 lần, đủ để đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế của các nước trên thế giới. Chúng ta cũng không thể nằm ngoài xu thế này.
“ Một quốc gia mà xây dựng, vận hành thành công nhà máy điện hạt nhân, vị thế của quốc gia đó được nâng lên. Ngoài việc đảm bảo an ninh năng lượng, điện hạt nhân còn góp phần nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ. Điện hạt nhân sẽ là một yếu tố vô cùng quan trọng để hướng tới năm 2050 chúng ta đạt được mục tiêu Net-zero. Nếu không có điện hạt nhân trong hệ thống lưới điện, mục tiêu này rất khó đạt được ”, ông Thân nhận định.
Cũng theo các chuyên gia việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân cũng sẽ trực tiếp thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của toàn xã hội.
Ngoài ra, việc đảm bảo mục tiêu Net Zero, bảo vệ môi trường từ chính sách phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam chống lại những tác hại của biển đổi khí hậu, giúp nền kinh tế phát triển bền vững.
Với những ý nghĩa tích cực đến nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh: " Chúng ta sẽ phát triển hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước. Vì thế trong quy hoạch lần này đề nghị là đến năm 2030 cũng phải xác định không phải chỉ là Ninh Thuận mà ít nhất phải có 3 trong 8 điểm đã được xác định có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân ".