Chuyện về nơi đặt mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông

Admin

27/12/2024 12:13

Khu lăng mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông lấy núi Minh Tự làm huyền vũ (gối đầu), lấy núi Đại Hàm làm ánh đường che chắn tự nhiên. Đứng trên núi cao nhìn xuống, cả vùng này giống như một bức tranh thủy mặc.

Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12/11/1724, tại quê cha ở thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông mất vào ngày Rằm tháng Giêng năm 1791 tại quê mẹ là xứ Bàu Thượng, xã Tịnh Diệm, tổng Hữu Bằng (nay là thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Hải Thượng Lãn Ông là Đại danh y nổi tiếng nhất trong lịch sử y học Việt Nam, được biết đến không chỉ với vai trò là một thầy thuốc tài ba mà còn là một nhà tư tưởng lớn, danh nhân văn hóa thế giới.

Chuyện về nơi đặt mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 1.

Cách khu lưu niệm và nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông về phía Đông khoảng 7km là khu mộ và tượng đài của ông.

Tại Hương Sơn, quần thể khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là nơi yên nghỉ, thờ tự, lưu giữ di sản của Đại danh y, đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1990. Mới đây, quần thể này vừa được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Trong đó, khu lưu niệm và nhà thờ Đại danh y Lê Hữu Trác có diện tích 13.500m2 với 18 hạng mục công trình gồm: nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông; nhà đón tiếp; sân hành lễ; nhà bia; vườn đào, vườn cây thuốc nam...

Nhà thờ Lê Hữu Trác nằm trong khu tưởng niệm chính là nơi Đại danh y đã gắn bó suốt cuộc đời của mình khi về quê mẹ sinh sống, nơi ông bốc thuốc, nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người. Hương Sơn (dịch nghĩa là Núi Thơm) mảnh đất thiên nhiên thảo dược trù phú, mà Sơn Quang được ví như là cái nôi của những loài cây dược liệu.

Chuyện về nơi đặt mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 2.

Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác là di tích nguyên gốc, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp y đức của Đại danh y trên mảnh đất Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Tại khu lưu niệm còn có núi Giả và hồ Sen. Núi Giả cao khoảng 10 thước, rộng khoảng 240 thước. Hồ Sen hình bán nguyệt ôm lấy chân núi ở phía Tây Bắc. Đây là nơi Hải Thượng Lãn Ông dùng để quan sát hướng gió, từ đó để bắt mạch chữa bệnh và lưu giữ, bảo quản các loại thuốc quý khi có thiên tai, lũ lụt. Núi Giả, hồ Sen cũng là nơi Hải Thượng Lãn Ông cùng bạn hữu ngắm trăng thanh, gió mát, đàm đạo văn chương trong những phút thư thái thanh nhàn. Núi Giả là nơi mà đại danh y đã dặn con cháu: khi nào ông mất thì lên núi Giả thả diều, diều rơi ở đâu thì an táng ông ở đó.

Chuyện về nơi đặt mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 3.

Chuyện về nơi đặt mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 4.

Núi Giả và hồ Sen trong khuôn viên di tích Hải Thượng Lãn Ông.

Tương truyền, vào khoảng năm 1750, Hải Thượng Lãn Ông đã bắt đầu ươm và nhân giống đào phai của địa phương. Vườn đào rộng khoảng 3ha nằm sát bờ phải sông Ngàn Phố. Việc trồng đào không chỉ là thú chơi hoa ngắm cảnh mà chủ yếu là để chế biến những vị thuốc quý. Lá đào sắc chữa nhọt, hạt đào chữa bệnh phụ nữ có trong các bài thuốc của Đại danh y. Hiện nay, vườn đào đã được chính quyền địa phương và Ban quản lý khôi phục, chỉnh trang.

Nằm trong khuôn viên của khu lưu niệm còn có vườn thuốc quý thường được sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh của Hải Thượng Lãn Ông. Với hơn 60 loài cây thuốc quý, nơi đây cũng trở thành địa điểm được nhiều du khách tới tham quan, tìm hiểu. Cách khu lưu niệm và nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông về phía Đông khoảng 7km là khu mộ và tượng đài của ông. Nơi đây có phong cảnh sơn thủy hữu tình, bốn mùa "thông reo, gió hát".

Chuyện về nơi đặt mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 5.

Khu mộ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông nằm ở vị trí phong thuỷ rất đặc biệt, bốn mùa xanh tươi, mát mẻ.

Sau khi Hải Thượng Lãn Ông mất (năm 1791), dòng họ Lê và nhân dân trong vùng đã theo di nguyện của ông để lập mộ tại chân núi Minh Tự. Tuy đã có nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vị trí mộ, hướng mộ và hình thức mộ không thay đổi. Mộ của Đại danh y như một "cánh diều" nằm giữa núi rừng bao la, thanh bình, yên tĩnh. Nơi đây thường xuyên được người dân, các đoàn du khách tới thắp hương, tưởng nhớ.

Quan sát bằng mắt thường cho thấy, vị trí đặt mộ Đại danh y Lê Hữu Trác rất đẹp, có ý nghĩa phong thuỷ cao. Mộ lấy núi Minh Tự làm huyền vũ (gối đầu), lấy núi Đại Hàm làm ánh đường che chắn tự nhiên. Nếu đứng trên núi cao nhìn xuống, cả vùng này giống như một bức tranh thủy mặc.

Chuyện về nơi đặt mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 6.

Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông được dựng bằng đá cẩm thạch.

Năm 2013, trên đỉnh núi Minh Tự, tượng đài Hải Thượng Lãn Ông dựng bằng đá cẩm thạch cao 16,91m, nặng 350 tấn được khánh thành. Khu tượng đài có dòng chữ "Đức Lưu Quang" khắc trên tảng đá nguyên khối nặng hơn 17 tấn. Phía sau tượng đài có 3 bức phù điêu khắc ghi những lời răn dạy của Đại danh y về y đức.

Năm 2024 là năm ghi dấu mốc đặc biệt - kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024). Việc được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đúng vào dịp này đã tăng thêm ý nghĩa của di tích; mở ra dấu mốc mới trong hành trình bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Hải Thượng Lãn trên quê hương Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Để tưởng nhớ, bảo tồn những di sản quý giá của ông để lại, tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm với nhiều chương trình diễn ra từ ngày 25/12 đến ngày 27/12/2024.

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện về nơi đặt mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông" tại chuyên mục Văn hóa. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).