“Vua nhà cửa”, “Vua tiền bạc” Huỳnh Trọng Tán Kỳ 1: Người kế thừa di sản của Chú Hỏa

Admin

26/12/2024 06:30

Doanh nhân Huỳnh Trọng Tán đã phát huy tinh thần và triết lý kinh doanh của gia đình để tạo nên tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và dịch vụ cầm đồ tại Sài Gòn - Chợ Lớn trong 30 năm đầu thế kỷ XX.

Doanh nhân xưa

“Vua nhà cửa”, “Vua tiền bạc” Huỳnh Trọng TánKỳ 1: Người kế thừa di sản của Chú Hỏa

Thanh An • 28/11/2024 17:00

Doanh nhân Huỳnh Trọng Tán đã phát huy tinh thần và triết lý kinh doanh của gia đình để tạo nên tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và dịch vụ cầm đồ tại Sài Gòn - Chợ Lớn trong 30 năm đầu thế kỷ XX.

Huỳnh Trọng Tán sinh năm 1877 tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Cha của ông là Hứa Bổn Hòa, được biết đến với tên gọi là Chú Hoả - một trong tứ đại phú gia của đất Nam Kỳ. Gia đình ông là người gốc Hoa, đến Sài Gòn - Chợ Lớn lập nghiệp vào cuối thế kỷ XIX. Sở dĩ họ của hai cha con không giống nhau vì cách phiên âm từ tiếng Hoa sang tiếng Việt có sự bất nhất.

Ông vua nhà cửa

Năm 16 tuổi, Huỳnh Trọng Tán theo cha và anh trai lập nghiệp bằng việc hỗ trợ và quản lý kinh doanh của Công ty Cầm đồ Hui Bon Hoa có trụ sở tại số 97 rue d’Alsace Lorraine (nay là đường Phó Đức Chính, quận 1, TP.HCM). Về sau, Công ty lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và thành lập Công ty Bất động sản Societe Immobiliere Hui Bon Hoa. Theo đó, Công ty đã sở hữu trên 20.000 căn nhà tại Sài Gòn, đồng thời xây dựng khá nhiều công trình có giá trị lớn vẫn còn tồn tại đến ngày nay tại TP.HCM.

doanh-nhan-xua_h2_ba-nguoi-con-cua-hua-bon-hoa.jpgBa người con của Hứa Bổn Hòa (từ trái sang: Huỳnh Trọng Tán, Huỳnh Trọng Huấn, Huỳnh Trọng Bình)

Năm 1901, sau khi Hứa Bổn Hòa qua đời trong chuyến về thăm quê hương, ông Huỳnh Trọng Tán và các anh em đã được thừa kế toàn bộ tài sản và công việc kinh doanh từ cha. Trong đó, ông Huỳnh Trọng Tán là cá nhân chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành hoạt động của hai công ty nói trên, từ đấu thầu xây dựng bất động sản đến quản lý dịch vụ cầm đồ.

Dưới sự điều hành của ông, từ năm 1910 tới 1930, Công ty Bất động sản Hui Bon Hoa lớn mạnh rất nhanh, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh và xây dựng.

Đặc biệt, sự thành công trong kinh doanh bất động sản đã đưa ông Huỳnh Trọng Tán trở thành nhà tư sản Hoa kiều nổi tiếng khắp Nam Kỳ vào đầu thế kỷ XX. Ông được biết đến đã sở hữu hàng loạt khu bất động sản đắc địa tại Sài Gòn lúc bấy giờ. Các dãy phố do Công ty Hui Bon Hoa đấu thầu xây dựng được thiết kế gồm nhà sát nhà theo kiến trúc Đông Tây, chủ yếu dùng làm cửa tiệm và nhà ở được xây dựng trên khoảng đất rộng ở vị trí mặt đường. Ngày nay một số vẫn còn tồn tại ở Bến Chương Dương (Võ Văn Kiệt), vài dãy nhà trên đường Phan Chu Trinh sát chợ Bến Thành, đường Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Công Trứ, Yersin, Trần Hưng Đạo, hầu hết ở quận 1 ngày nay.

Không chỉ vậy, Huỳnh Trọng Tán còn cho xây dựng nhiều dãy nhà ở Chợ Lớn để cho thuê. Với danh tiếng và sự giàu có trong giới kinh doanh bất động sản tại Nam Kỳ đầu thế kỷ XX, người đương thời đã suy tôn Huỳnh Trọng Tán là “Vua nhà cửa”.

doanh-nhan-xua_h1_anh-3-khach-san-majestic.jpgKhách sạn Majestic - một trong những cơ sở thương mại của gia đình Hui Bon Hoa

Sau Thế chiến Thứ nhất (tháng 7/1914 đến tháng 11/1918) là thời gian kinh tế thế giới suy thoái khiến giá đất giảm mạnh, Huỳnh Trọng Tán đã tận dụng để thu mua và xây cất nhà cửa, dinh thự ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Khắp các đại lộ huyết mạch và chợ đầu mối đều có tòa ngang dãy dọc của ông. Ở thời kỳ cực thịnh, ông còn sở hữu hơn 20.000 ngôi nhà, bằng 1/5 tổng số địa ốc Sài Gòn - Chợ Lớn lúc bấy giờ. Về sau, khi giá bất động sản tăng dần, cơ nghiệp của ông vẫn tăng đều đều.

Sau Thế chiến Thứ nhất (tháng 7/1914 đến tháng 11/1918) là thời gian kinh tế thế giới suy thoái khiến giá đất giảm mạnh, Huỳnh Trọng Tán đã tận dụng để thu mua và xây cất nhà cửa, dinh thự ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Khắp các đại lộ huyết mạch và chợ đầu mối đều có tòa ngang dãy dọc của ông. Ở thời kỳ cực thịnh, ông còn sở hữu hơn 20.000 ngôi nhà, bằng 1/5 tổng số địa ốc Sài Gòn - Chợ Lớn lúc bấy giờ. Về sau, khi giá bất động sản tăng dần, cơ nghiệp của ông vẫn tăng đều đều.

Đến năm 1925, Huỳnh Trọng Tán thành lập Tổng công ty Bất động sản Hui Bon Hoa để quản lý gần 30.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn - Chợ Lớn và đặt trụ sở tại tòa nhà chính giữa mang tên Huỳnh Vinh Viễn Đường trong ba tòa nhà xây dựng, trong đó có khách sạn Majestic xây dựng năm 1925, gồm ba tầng với 44 phòng, trang bị máy điều hòa nhiệt độ đầu tiên ở Đông Dương. Công ty còn có những dãy nhà phố nằm dọc theo mặt tiền đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi ngay trung tâm quận 1 ngày nay.

Làm giàu từ cầm đồ

Không chỉ được người đương thời suy tôn là vua trong lĩnh vực bất động sản, Huỳnh Trọng Tán còn được suy tôn là “Vua tiền bạc” khi sở hữu và khai thác hiệu quả dịch vụ cầm đồ tại nhiều cửa tiệm cầm đồ trực thuộc Công ty cầm đồ Hui Bon Hoa & Ogliastro.

Đây là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ do Hứa Bổn Hòa thành lập. Sau khi qua đời, các con của ông đã hợp tác kinh doanh với Louis Ogliastro - một người Pháp ở đảo Corse - thành lập Công ty Liên doanh Hui Bon Hoa & Ogliastro. Lĩnh vực chính của công ty liên doanh này là cầm đồ. Đến năm 1919, Hui Bon Hoa & Ogliastro còn quản lý 25 nhà thuốc ở Đông Dương, trong đó có 6 nhà thuốc tại Sài Gòn.

Trong quá trình kinh doanh, Huỳnh Trọng Tán cùng các anh em đã thay phiên nhau điều hành và quản lý dịch vụ cầm đồ của Công ty. Chuỗi tiệm cầm đồ do các con của Hứa Bổn Hòa điều hành ngày càng khuếch trương ra nhiều địa phương như Gò Vấp, Hóc Môn, Bà Chiểu, xuống tới Mỹ Tho, Gò Công, Bãi Xàu, Sóc Trăng…, tức mạng lưới kinh doanh của họ phủ khắp các thị tứ và cảng sông trọng yếu của miền Nam. Đến thập niên 1920, Công ty Hui Bon Hoa & Ogliastro đã nắm độc quyền hầu như toàn bộ hệ thống cầm đồ tại Nam Kỳ lục tỉnh.

---------------------------------------------------

Kỳ 2: Làm giàu phải biết nghĩ tới cộng đồng

Dưới sự điều hành của Huỳnh Trọng Tán, từ năm 1910 đến 1930, Công ty Bất động sản Hui Bon Hoa lớn mạnh rất nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng.

Bạn đang đọc bài viết "“Vua nhà cửa”, “Vua tiền bạc” Huỳnh Trọng Tán Kỳ 1: Người kế thừa di sản của Chú Hỏa" tại chuyên mục Doanh nhân. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).