Đây là 1 trong 8 kết quả nổi bật của ngành Y tế trong năm 2024 được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng chia sẻ tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025, diễn ra ngày 24/12.
Cũng trong năm 2024, Bộ trưởng cho rằng, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế được thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ dần các khó khăn, vướng mắc, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; phòng chống dịch bệnh; giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế; cải cách hành chính; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc triển khai các chương trình, dự án...
Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và tập trung hoàn thiện. Đặc biệt, trong năm 2024, lần đầu tiên Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 Luật trong một kỳ họp: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Các dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục được kiểm soát, chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về công tác dân số; cơ cấu tổ chức bộ máy tiếp tục hoàn thiện...
Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong công tác tiếp nhận các nhiệm vụ từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn nhận hạn chế, thách thức của ngành Y thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Cụ thể, mạng lưới y tế cơ sở tiếp cận các bệnh viện Trrung ương, tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật ở một số khu vực còn hạn chế. Vùng Tây Nguyên không có bệnh viện tuyến Trung ương; vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Trung du và miền núi phía Bắc chỉ có 1 bệnh tuyến Trung ương.
Hệ thông văn bản pháp luật còn vướng mắc, chưa đồng bộ về bảo hiểm y tế, giá dịch vụ, tố chức, biên chế... khiến các cơ sở y tế công lập thiếu động lực nâng cao chất lượng và chuyên môn, không chủ động được nguồn tài chính để tái đầu tư, phát triển.
Một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có nguy cơ cao (số ca mắc sốt phát ban nghi sởi tăng so với năm 2023). Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng 3 năm gần đây không đạt 90%. Các bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn thấp. Tình hình ngộ độc thực phẩm đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và do thức ăn đường phố.
Chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến, các vùng miền còn chênh lệch. Quản lý y tế tư nhân còn chưa chặt chẽ do nhân lực thanh tra, kiểm tra mỏng. Việc kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại trong một số cơ sở còn hình thức, hiệu quả chưa cao; tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền vẫn còn thấp; phát triển dược liệu vẫn còn nhỏ lẻ manh mún, tự phát.
Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và hội nhập khu vực, quốc tế, chưa tăng cường, bổ sung chính sách đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế.
Số lượng sinh viên, học viên sau đại học y tăng lên nhiều lần, tuy nhiên số lượng bệnh viện thực hành hầu như không tăng, cơ hội cho sinh viên, học viên tiếp xúc với bệnh nhân giảm rõ rệt. Nguồn nhân lực y tế, đặc biệt điều dưỡng còn thiếu, khó thu hút nhân lực làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng, lao…
Đặc biệt, tại một số địa phương, cơ sở y tế còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại một số thời điểm… gây khó khăn cho người bệnh.
Hiền Minh