Đó là trường hợp nữ bệnh nhân L.T.B.T. (32 tuổi, ngụ tại Long An) vừa được một bệnh viện tư nhân tiếp nhận, điều trị. Theo bệnh sử, trước khi nhập viện, chị T. có biểu hiện đau vùng
Các bác sĩ thực hiện cùng lúc hai phẫu thuật lấy sỏi và cắt túi mật cho người bệnh trong một cuộc mổ
Đến khi cơn đau ngày càng diễn tiến nặng, bệnh nhân mới vào bệnh viện kiểm tra. Qua thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giãn ống gan trái và ống mật chủ, vùng đáy túi mật có nhiều sỏi nhỏ và cặn bùn tụ thành đám kích thước 30mm. Ống túi mật có nhiều sỏi nhỏ kích thước 9mm, lòng túi mật có bọt khí kèm rối loạn tưới máu nhu mô gan, tụ dịch quanh vùng cổ túi mật.
Sau hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sỏi túi mật có viêm túi mật cấp, sỏi ống mật chủ, phải phẫu thuật khẩn. Các bác sĩ đã quyết định cho người bệnh thực hiện hai phẫu thuật trong cùng một cuộc mổ. Ê kíp tiến hành nội soi mật tụy ngược dòng để lấy sỏi, tiếp đó phẫu thuật nội soi cắt túi mật để xử lý triệt để nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử. Sau phẫu thuật, ngày 19/12 sức khỏe người bệnh đã dần bình phục.
Túi mật bị viêm nhiễm và những viên sỏi lớn được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh |
Các bác sĩ cho biết, bệnh lý viêm túi mật cấp do sỏi túi mật thường xảy ra khi sỏi kẹt trong cổ ống túi mật hoặc sỏi lớn gây tắc nghẽn sự lưu thông của mật, dẫn đến viêm nhiễm. Biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi ống mật chủ là sốc nhiễm trùng đường mật, nếu điều trị không kịp thời có thể dẫn đến suy đa cơ quan, nguy hiểm tính mạng.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng nên cảnh giác các dấu hiệu đau quặn ở vùng bụng trên hay hạ sườn phải, vàng da, tiêu chảy, sốt cao... Khi thấy các triệu chứng này, nên đến cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để ngăn ngừa sỏi mật, cộng đồng cần bổ sung nhiều chất xơ: rau xanh, hoa quả và ngũ cốc nguyên cám trong khẩu phần ăn. Hạn chế thức ăn có nhiều dầu mỡ, có thể sử dụng các loại bơ, dầu thực vật và dầu cá, duy trì cân nặng phù hợp, tránh béo phì, tẩy giun sán định kỳ.