Gửi kiến nghị đến trước
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: QH
Trả lời cử tri, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Theo ông, đây là chủ trương có tính đột phá, thay đổi việc xuất bản sách giáo khoa theo cơ chế độc quyền, đồng thời xã hội hóa sách giáo khoa, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân biên soạn, xuất bản sách giáo khoa. Từ đó, tạo ra sự cạnh tranh, động lực cho các nhóm tác giả sách, các nhà xuất bản.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Chính trị đã có kết luận 91, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trong đó nêu rõ nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông ở các địa phương được thực hiện thống nhất theo chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Hiện nay chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đến lớp 5 với cấp tiểu học, đến lớp 9 với cấp THCS và lớp 12 với cấp THPT. Công tác xã hội hóa sách giáo khoa đạt kết quả tốt, các môn học và hoạt động giáo dục đều có từ 3 - 9 bộ sách giáo khoa.
Trên cơ sở đó, giáo viên và học sinh có cơ hội được lựa chọn sách giáo khoa phù hợp. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa đã bước sang năm thứ 5. Bộ trưởng khẳng định, các địa phương, cơ sở giáo dục đánh giá cao chương trình giáo dục phổ thông 2018 và triển khai thực hiện dần đi vào ổn định, nâng cao chất lượng.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổng kết việc biên soạn sách giáo khoa, trong đó sẽ đánh giá cụ thể việc xã hội hóa sách giáo khoa. Trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội về sự cần thiết ban hành thống nhất, đồng bộ sách giáo khoa trên toàn quốc.