Doanh nhân Cao Triều Phát: Người điền chủ nặng lòng với vùng đất Bạc Liêu: Một đại điền chủ gắn bó với quê hương và tá điền (Kỳ 1)

Admin

19/01/2025 12:12

Là một điền chủ nặng lòng với quê hương, Cao Triều Phát đã dành hết tuổi trẻ để phát triển ngành canh nông tại Bạc Liêu và tham gia đấu tranh bênh vực quyền lợi cho người dân bản xứ trước ách đô hộ của thực dân Pháp.

Doanh nhân xưa

Doanh nhân Cao Triều Phát: Người điền chủ nặng lòng với vùng đất Bạc Liêu: Một đại điền chủ gắn bó với quê hương và tá điền (Kỳ 1)

Thanh An • 01/01/2025 - 09:21

Là một điền chủ nặng lòng với quê hương, Cao Triều Phát đã dành hết tuổi trẻ để phát triển ngành canh nông tại Bạc Liêu và tham gia đấu tranh bênh vực quyền lợi cho người dân bản xứ trước ách đô hộ của thực dân Pháp.

anh-1.-cao-trieu-phat.jpgChân dung doanh nhân Cao Triều Phát

Cao Triều Phát tự là Thuận Đạt, sinh ngày 17/4/1889 tại làng Vĩnh Lợi, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu (nay thuộc thành phố Bạc Liêu). Ông là con trai thứ năm của Đốc phủ sứ Cao Minh Thạnh. Theo phong tục miền Nam, ông được gọi là Sáu Phát.

Xuất thân trong một gia đình quan lại và đại điền chủ có thế lực, Cao Triều Phát được gia đình cho học tiểu học tại Bạc Liêu, sau được đưa lên Sài Gòn theo học tại Trường Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn) và tốt nghiệp vào năm 1910.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Cao Triều Phát dành thêm hai năm để học luật do Tòa án Sài Gòn mở. Ngày 10/8/1912, Cao Triều Phát hoàn thành khóa học luật và được bạn bè, thân hữu khuyên nên đi vào đường quan trường để có thể thăng tiến, nhưng vì tình yêu dành cho quê hương Bạc Liêu nên ông đã xin về làm thư ký kiêm thông dịch tại Tỵ niết (cơ quan tư pháp) ở Bạc Liêu.

Năm 1914, thế chiến thứ nhất bùng nổ, thực dân Pháp đưa rất nhiều thanh niên Việt Nam sang Pháp tham chiến. Cao Triều Phát đăng ký làm thông ngôn cho một đơn vị lính thợ sang Pháp. Từ năm 1914-1919, tại Pháp, ông đã nhiều lần liên lạc với Tổng Liên đoàn Lao động Pháp để nhờ giúp bênh vực quyền lợi cho lính thợ Việt Nam.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Cao Triều Phát trở về Việt Nam để chịu tang cha. Năm 1920, ông trở lại Pháp để theo học ngành canh nông. Tháng 4/1922, Cao Triều Phát được Thống đốc Nam kỳ Maurice Cognacq cử làm phái viên tham dự Hội chợ Đấu xảo thuộc địa Marseilee, thay mặt cho các nhà canh nông của Việt Nam. Chính tại hội chợ này, Cao Triều Phát học hỏi được nhiều kiến thức và thành tựu nông nghiệp từ các nhà canh nông của Pháp. Chính điều này đã giúp ông quyết tâm thực hiện ước mơ phát triển nông nghiệp theo mô hình sản xuất cơ giới trên vùng đất quê hương Bạc Liêu. Vì thế, Cao Triều Phát đã trở về Việt Nam vào tháng 9/1922 và mang theo mong ước đem những hiểu biết tích lũy được thực hiện ở quê nhà để giúp ích cho đời.

anh-2.-nha-tho-to-ho-cao.jpgNhà thờ tổ họ Cao ở Bạc Liêu (Nguồn: Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bạc Liêu)

Thân sinh của Sáu Phát qua đời, để lại cho anh em ông mỗi người một số đất. Những năm ông ở nước ngoài, các anh em của ông đã khai phá và đưa vào canh tác đất đai của họ. Riêng đất của ông vẫn còn hoang hóa, rừng cây rậm rạp. Để khai phá những thửa đất ấy, Sáu Phát đã áp dụng kiến thức cơ giới hóa nông nghiệp khi học ở Pháp. Đồng thời ông còn nghiên cứu kỹ tính năng kỹ thuật một số loại máy, như máy chặt cây, đào gốc, máy ủi, máy xúc, máy cày và đặt mua chở về nước. Sau đó, ông quy tụ dân quanh vùng Vĩnh Châu, chọn những người biết chữ, nhanh nhẹn huấn luyện cho họ sử dụng máy móc. Đồng thời với việc khai hoang, ông cho tiến hành đào một con kênh từ Trà Teo đến sông Mỹ Thanh, đặt tên là kênh Cao Minh Thạnh để nhớ đến thân sinh của ông. Khi hoàn thành, con kênh này cùng với hệ thống kênh dẫn nước phèn từ nội đồng ra sông Mỹ Thanh, lại nhờ hệ đê ngăn mặn nên đất được rửa mặn, rửa phèn, hứng nước mưa, dần được ngọt hóa. Ông cho máy ủi san đất dọc bờ kênh làm đường và dãy đất kề con đường để cư dân cất nhà, thành lập xóm làng.

Vì vậy, chẳng mấy chốc vùng đất hoang của Cao Triều Phát đã trở thành cánh đồng phì nhiêu, cò bay thẳng cánh. Khi việc khai hoang đã hoàn thành, ông điều hành sản xuất và mở rộng điền trang. Trong những năm tiếp theo, nhờ mô hình sản xuất mới với phương tiện hiện đại, các vụ lúa tại điền trang của Sáu Phát đều bội thu, sự giàu có của ông ngày càng tăng. Do đó, ông mua thêm đất để mở rộng sản xuất nông nghiệp.

Để thu hút tá điền đến sinh sống và làm việc trên những cánh đồng của ông, Sáu Phát đã mua vải, quần áo, dầu đốt, muối ăn… phát cho họ, giúp họ có đời sống ban đầu ổn định để an tâm làm ăn lâu dài. Cũng từ đó, điền trang của Sáu Phát ngày càng mở rộng và thu hút được nhiều tá điền đến lập nghiệp. Nhờ thế, ông nhanh chóng trở thành một đại điền chủ giàu có vào loại nhất vùng Bạc Liêu.

Cùng với việc khai hoang lập ấp cho người dân Bạc Liêu, Cao Triều Phát còn tích cực tham gia chống thực dân, đòi quyền bình đẳng cho tư sản bản xứ. Tiếp thu tinh thần yêu nước từ gia đình và các nhà cách mạng mà ông đã gặp khi còn ở Pháp, Sáu Phát đã thể hiện quan điểm chống chính quyền thực dân bởi những bất công xã hội mà họ gây ra cho người dân bản xứ, nhất là các nhà tư sản Việt Nam, bởi chính quyền thực dân không muốn người bản xứ chia phần kinh tế của họ, càng không muốn cho người dân bản xứ biết phương pháp canh tân nông nghiệp.

Chính những bất công đó đã khiến Cao Triều Phát nảy sinh ý tưởng tự đấu tranh vì đất nước bằng công luận trên diễn đàn báo chí. Ngày 12/11/1926, ông cùng một số bạn bè, đồng chí hướng thành lập Đông Dương Lao động Đảng và cho ra đời hai tờ báo làm cơ quan ngôn luận là Nhật Tân và Ere Nouvelle (Kỷ nguyên mới).

anh-3-thi-xa-bac-lieu.jpgThị xã Bạc Liêu thập niên 1920 (Nguồn: flickr.com)

Những bài báo do Cao Triều Phát viết thể hiện tấm lòng yêu nước và nói lên những bất bình trước tình cảnh đất nước bị ngoại ban cai trị. Đồng thời, ông còn dùng ngòi bút để thay người dân đòi quyền sống, dân chủ và tự trị.

Tuy nhiên do cách chống đối quá lộ liễu, chính quyền thực dân đã đóng cửa hai tờ báo, giải tán Đông Dương Lao động Đảng vào giữa năm 1929. Bản thân Sáu Phát còn bị trục xuất khỏi Sài Gòn và bị quản thúc tại Bạc Liêu một thời gian vì tội “phá rối chính trị an”.

Năm 1930, Sáu Phát được bầu vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ và nhiều lần đấu tranh đòi quyền lợi cho người bản xứ nhưng chỉ vài năm sau thì ông rút khỏi hội đồng vì nhận ra đấu tranh ở nghị trường không mang lại kết quả.