Xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục 7,2 tỷ USD

Admin

09/12/2024 12:18

TPO - Chiều 6/12, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ngành rau quả của Việt Nam đang khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế. Đặc biệt, xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 có thể đạt tới 7,2 tỷ USD; trong đó riêng xuất khẩu sản phẩm các loại quả có thể đạt tới trên 6,5 USD. Các tỉnh phía Bắc, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại cây ăn quả.

Xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục 7,2 tỷ USD ảnh 1

Nhiều ý kiến được đưa ra tại diễn đàn nhằm nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc.

PGS.TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam nhận xét, cây ăn quả tại các tỉnh phía Bắc đã trải qua quá trình phát triển dài. Đến nay, đã thu được nhiều kết quả, từ hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đến nghiên cứu ra các giống năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, có tính chống chịu. Hiện các đơn vị sản xuất còn đẩy mạnh nghiên cứu chế biến, nhằm đa dạng hóa kênh tiêu thụ cho sản phẩm cây ăn quả.

Tuy nhiên, phần lớn trái cây xuất khẩu ra nước ngoài gây rủi ro cao nếu thị trường này thay đổi đột ngột về chính sách nhập khẩu. Trong khi đó, hạn chế của trái cây trong nước là bảo quản sau thu hoạch kém khiến sản phẩm dễ hư hỏng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa các hộ nông dân và doanh nghiệp. Các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Trung Quốc đã và đang là thị trường xuất khẩu số một của cây ăn quả Việt Nam. Vấn đề lớn nhất trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, là hai bên chưa thống nhất được các quy trình kiểm dịch, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài. Ngoài ra, một số sản phẩm chưa được tái ký nghị định thư, cũng như còn chịu tần suất kiểm tra rất cao.

Trên góc độ địa phương, ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Hòa Bình, cho biết, những năm gần đây, việc mở cửa thị trường quốc tế cho các loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc nhập khẩu các loại trái cây vào thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng.

Để xuất khẩu, các quy định về kiểm dịch thực vật, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến phải được tuân thủ chặt chẽ. Việc này không chỉ giúp tăng cường uy tín và cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bền vững và lâu dài trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ Thực vật) nhận định, sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các quy định chung về kiểm dịch thực vật. Trong khi đó, miền Bắc còn nhiều hạn chế trong khâu chế biến khi vẫn chưa xử lý tại chỗ được một số loại trái cây mà phải đưa vào miền Nam xử lý.

Nhiều chuyên gia nhận định, sản xuất cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc có tiềm năng lớn, nhưng cần giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo quản, liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường bền vững… để phát triển lâu dài và xây dựng chuỗi giá trị chất lượng trong tương lai.

Bạn đang đọc bài viết "Xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục 7,2 tỷ USD" tại chuyên mục Tiêu dùng. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0359 276 785 hoặc gửi về địa chỉ email ([email protected]).