Cập nhật xu hướng thời đại khi hướng nghiệp tại bậc THPT

Admin

12/12/2024 09:00

Hoạt động hướng nghiệp cần giúp học sinh rèn luyện tố chất, năng lực, cùng với đó, tự tin với nghề nghiệp mình chọn.

Hiện nay, hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, chiếm thời lượng lớn trong toàn bộ chương trình. Đây được đánh giá là hoạt động rất quan trọng, nhằm hướng đến mục tiêu giáo dục "phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh".

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình – Chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 12 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho rằng tầm quan trọng của hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm được thể hiện rõ trong mạch nội dung sách giáo khoa.

"Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 12 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, đã có những nội dung nhằm hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho học sinh khi chuẩn bị chọn trường đào tạo trên cơ sở các em cần nắm rõ mình có năng khiếu trong lĩnh vực nào, nên làm công việc gì", bà Nguyễn Thanh Bình chia sẻ

Cập nhật xu hướng thời đại khi hướng nghiệp tại bậc THPT- Ảnh 1.

Cấu trúc chủ đề sách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống giúp các em rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp trên cơ sở đánh giá được sự phù hợp của nghề với khả năng và sở thích của bản thân;

Xác định những phẩm chất, năng lực, hứng thú, sở trường của bản thân phù hợp với ngành, nghề lựa chọn; Rèn luyện được một số phẩm chất và năng lực phù hợp với nghề định lựa chọn và có thể chuyển đổi nghề khi cần thiết; Tự tin về bản thân và tự tin với định hướng nghề nghiệp của mình.

Cần cơ chế ràng buộc trong hướng nghiệp, phân luồng học sinh

Cụ thể, các em có thể tìm hiểu về xu hướng phát triển nghề nghiệp ở xã hội hiện đại và rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình. Nội dung học tập cũng được giúp các em lựa chọn hướng nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp.

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp THPT, bà Bình cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là cần phải phù hợp với bản thân, có như vậy các em mới có đam mê và thành công.

Cập nhật xu hướng thời đại khi hướng nghiệp tại bậc THPT- Ảnh 2.

Định hướng nghề nghiệp là yêu cầu quan trọng trong Chương trình GDPT 2018.

Trước bối cảnh phát triển như hiện nay, chuyên gia cũng cho rằng các em cần nắm được xu hướng nghề nghiệp trong xã hội hiện đại. Từ đó, phân tích được những thông tin cơ bản về thị trường lao động, nhu cầu sử dụng của thị trường, và lựa chọn những các cơ sở đào tạo và giáo dục nghề nghiệp phù hợp.

Các em cần Xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện một số phẩm chất, năng lực phù hợp với nghề định lựa chọn. Chuẩn bị tâm lý thích ứng với môi trường làm việc hoặc học tập tương lai, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào thế giới nghề nghiệp, sẵn sàng tham gia và hòa nhập với lực lượng lao động xã hội.

Ngoài ra, các em cũng cần tham khảo ý kiến của gia đình, thầy cô, chuyên gia bởi đây là những người có kinh nghiệm, và hiểu rõ năng lực, sở trường của các em.

"Cuối cùng, quan trọng nhất phải có bản lĩnh vượt qua những trở ngại trong quá trình thực hiện đam mê, theo đuổi nghề yêu thích để có thể tự tin về bản thân và tự tin với định hướng nghề nghiệp của mình", PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.

Nghị quyết số 29/NQ-TW đặt ra yêu cầu: "Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh… Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng" .

Bạn đang đọc bài viết "Cập nhật xu hướng thời đại khi hướng nghiệp tại bậc THPT" tại chuyên mục Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0359 276 785 hoặc gửi về địa chỉ email ([email protected]).