Vừa chốt xây hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam, đại bàng Trung Quốc lập tức ngỏ ý tham gia, có công nghệ khủng thế nào?

Admin

15/01/2025 08:30

Tập đoàn tư nhân lớn thứ 2 của Trung Quốc muốn tham gia dự án hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam.

Vừa chốt xây hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam, đại bàng Trung Quốc lập tức ngỏ ý tham gia, có công nghệ khủng thế nào?- Ảnh 1.

Theo Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vẫn sẽ thực hiện việc xây dựng hầm đường bộ qua cửa vịnh Cửa Lục để kết nối giao thông cơ giới giữa 2 bờ vịnh.

Đây là công trình thế kỷ của Quảng Ninh với số tổng số vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật rất cao. Dự án này từng được Quảng Ninh dự kiến khởi công vào năm 2019 và hoàn thành năm 2025. Tuy nhiên, sau đó tạm dừng để tập trung triển khai dự án khác.

Đây là công trình cấp đặc biệt nhưng không nằm trong công trình quốc gia nên Quảng Ninh đã xin chủ trương tự cân đối ngân sách xây dựng và được Thủ tướng đồng ý.

Hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục sẽ nằm song song với cầu Bãi Cháy, được thiết kế với quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2.750m. Trong đó, chiều dài hầm khoảng 2.140m (gồm 1.000m hầm dìm và 1.140m hầm dẫn). Hầm dự kiến nằm dưới đáy biển cách mặt nước không quá 17m. Tốc độ xe lưu thông trong hầm có thể đạt 60km/h, và có khả năng chịu được động đất mạnh 6 độ Richter. Đây là hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam.

Vào 6/1/2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã có buổi tiếp, làm việc với bà Ngô Tĩnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) (CPCG) để thống nhất, triển khai một số kế hoạch nghiên cứu, đầu tư tại Quảng Ninh.

Trên cơ sở các nội dung trao đổi, hợp tác trước đó giữa lãnh đạo Tập đoàn và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, bà Ngô Tĩnh đã chia sẻ, cụ thể hóa một số nội dung, ý tưởng đầu tư tại tỉnh và mong muốn được tạo điều kiện nghiên cứu, điển hình như đầu tư Dự án hầm Cửa Lục.

Bà Ngô Tĩnh khẳng định, CPCG là doanh nghiệp lớn, uy tín,, là tập đoàn tư nhân lớn thứ 2 Trung Quốc, nằm trong TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương sẽ triển khai các dự án trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo tốt nhất chất lượng, tiêu chuẩn. Đồng thời, sẽ mở rộng phát triển thêm các công trình hạ tầng, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng về tỉnh.

Thực tế, CPCG đã từng nhiều lần được Thủ tướng đề nghị tham gia xây dựng các dự án tỷ đô tại Việt Nam. Gần nhất, vào tháng 12/2024, Thủ tướng đã tiếp, làm việc với đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp, tập đoàn dòng họ Nghiêm, dòng họ Trang từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Trong đó, ông Nghiêm Giới Hòa là người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương. Đây là lần thứ 4, Thủ tướng gặp doanh nhân này để thảo luận, thúc đẩy hợp tác phát triển.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị CPCG và các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tích cực nghiên cứu, tham gia các dự án lớn như xây dựng cầu Tứ Liên (Hà Nội), cầu Ngọc Hồi qua sông Hồng, tuyến đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc (Hà Nội), tuyến metro hoặc đường sắt đô thị kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và sân bay Long Thành (Đồng Nai); cũng như các tuyến đường sắt xuyên biên giới (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Quảng Ninh - Hải Phòng)…

Về công nghệ xây dựng, CPCG hiện đang sở hữu và áp dụng nhiều công nghệ cao trong các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình cầu, đường và đô thị. Như công nghệ xây dựng thông minh, các công nghệ như Internet of Things (IoT) và cảm biến được sử dụng để theo dõi các yếu tố trong quá trình xây dựng, chẳng hạn như điều kiện vật liệu, tải trọng cầu, hoặc tình trạng của các công trình giao thông. Điều này giúp tối ưu hóa quá trình xây dựng và bảo trì.

Ứng dụng phần mềm quản lý dự án, CPCG sử dụng các phần mềm quản lý dự án hiện đại như BIM, giúp lập kế hoạch, thiết kế và quản lý hiệu quả các dự án lớn. Phần mềm này giúp dự đoán chi phí, thời gian, và sự cố có thể phát sinh.

Cùng với đó, công nghệ máy đào và đường hầm TBM được sử dụng triệt để, các máy đào hầm này có thể được tự động hóa và điều khiển từ xa để tạo ra các đường hầm dài, đặc biệt trong các khu vực đô thị, theo Construction Brefing.