Việt Nam vừa có "siêu cảng" 6.000 tỷ đẳng cấp quốc tế: Sở hữu công nghệ khiến Đại sứ Đan Mạch ngợi khen!

Admin

06/04/2025 17:00

"Siêu cảng" này dự kiến đạt công suất khai thác lên đến 2,2 triệu TEU mỗi năm.

Ngày 5/4/2025 đánh dấu thời điểm trọng đại trong lĩnh vực hàng hải Việt Nam: Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng chính thức đi vào hoạt động

Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng có tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, tổng diện tích gần 73 hecta, có bến chính dài 900 mét và bến sà lan dài 300 mét, độ sâu trước bến từ -16,8 mét đến - 18,4 mét, cảng có khả năng tiếp nhận đồng thời hai tàu container lớn bậc nhất thế giới; dự kiến đạt công suất khai thác lên đến 2,2 triệu TEU mỗi năm.

Việt Nam vừa có "siêu cảng" 6.000 tỷ đẳng cấp quốc tế: Sở hữu công nghệ khiến Đại sứ Đan Mạch ngợi khen!- Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa về hải cảng. Ảnh do AI tạo.

Chuyên gia đánh giá, đây là một trong những dự án cảng biển nước sâu nhất tại Việt Nam được triển khai bằng nguồn vốn tư nhân, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phát triển hạ tầng logistics và giao thông hàng hải của quốc gia.

Loạt công nghệ đặc biệt tại cảng thông minh đầu tiên ở Việt Nam

Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng là cảng thông minh đầu tiên tại Việt Nam, với các hệ thống hiện đại như cổng ra vào tự động và cầu tàu bán tự động... Nhờ đó, cảng có khả năng tiếp nhận những tàu container lớn bậc nhất thế giới, phục vụ trực tiếp các tuyến hàng hải từ những địa điểm xa như bờ Đông/bờ Tây nước Mỹ và châu Âu. 

Đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao năng lực vận tải biển và hội nhập quốc tế.

Việt Nam vừa có "siêu cảng" 6.000 tỷ đẳng cấp quốc tế: Sở hữu công nghệ khiến Đại sứ Đan Mạch ngợi khen!- Ảnh 2.

Khung cảnh Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng tại khu bến cảng Lạch Huyện, huyện Cát Hải, Hải Phòng. Ảnh: Báo Điện tử Chính Phủ.

Là cảng thông minh đầu tiên ở Việt Nam, Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng nổi bật với loạt hệ thống công nghệ hiện đại và tiên tiến. Bao gồm:

- 10 cẩu bờ STS và 36 cẩu e-RTG chạy điện: Hỗ trợ bốc xếp container nhanh chóng, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. 

- 1.350 ổ cắm container lạnh: Đảm bảo hỗ trợ hàng hóa cần bảo quản nhiệt độ ổn định. 

- Phần mềm TOS đồng bộ: Quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của cảng một cách mượt mà và chính xác. 

- Trung tâm vận hành (OC) giám sát thời gian thực: Nâng cao khả năng kiểm soát, đảm bảo hiệu quả và an toàn trong vận hành. 

- Công nghệ QR, OCR và cảnh báo an ninh thông minh: Tăng cường tự động hóa, nhận diện và bảo mật thông tin.

- Đặc biệt, đây là cảng đầu tiên tại Việt Nam triển khai hệ thống Truck Appointment System (TAS), giúp tài xế lên lịch trình trước, giảm thời gian chờ đợi và tối ưu hóa hiệu quả vận hành.

Những giải pháp này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn khẳng định đẳng cấp quốc tế của cảng trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến. 

Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch - một trong những đại biểu tham gia dự lễ Khánh thành Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng ngày 5/4 cho biết: 

"Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi xanh của Việt Nam, với trọng tâm là phát triển bền vững. Thông qua việc áp dụng các công nghệ xanh hiện đại, hệ thống tự động hóa và các giải pháp giảm phát thải, dự án không chỉ bảo vệ môi trường mà còn củng cố quan hệ hợp tác chiến lược xanh và thương mại giữa Việt Nam và Đan Mạch. Đây là một minh chứng cho cam kết của hai quốc gia trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và khuyến khích tăng trưởng đầu tư tư nhân, góp phần vào sự thịnh vượng chung".

Việt Nam vừa có "siêu cảng" 6.000 tỷ đẳng cấp quốc tế: Sở hữu công nghệ khiến Đại sứ Đan Mạch ngợi khen!- Ảnh 3.

Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch nêu bật vai trò của công nghệ xanh tại Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng. Ảnh: Báo Điện tử Chính Phủ.

Từ chia sẻ của ông Nicolai Prytz có thể thấy Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng không chỉ thông minh, hiện đại và tân tiến bậc nhất Việt Nam mà còn rất "xanh". 

Nổi bật trong số công nghệ xanh hiện đại tại cảng chính là công nghệ cẩu e-RTG chạy điện.

Cẩu e-RTG (Electric Rubber Tyred Gantry Crane) là một loại cẩu container hiện đại, sử dụng hoàn toàn năng lượng điện thay vì động cơ diesel truyền thống. Điều này mang lại nhiều lợi ích về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, như giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch; từ đó giúp giảm phát thải khí nhà kính (việc sử dụng điện thay vì diesel giúp giảm lượng khí CO2 và các chất gây ô nhiễm khác, góp phần bảo vệ môi trường).

Việt Nam vừa có "siêu cảng" 6.000 tỷ đẳng cấp quốc tế: Sở hữu công nghệ khiến Đại sứ Đan Mạch ngợi khen!- Ảnh 4.

Hình ảnh cẩu tại một bến cảng của Ý. Ảnh: Container news

Vệc cẩu e-RTG chuyển đổi từ diesel sang điện có thể giảm tới 65% chi phí nhiên liệu. Ngoài ra, việc sử dụng điện giúp giảm chi phí bảo trì, vì động cơ điện ít phức tạp hơn và ít cần bảo dưỡng hơn so với động cơ diesel.

Chưa kể, sử dụng cẩu e-RTG chạy điện còn có thể tái tạo năng lượng. Một số cẩu e-RTG được trang bị công nghệ tái tạo năng lượng, cho phép thu hồi năng lượng từ quá trình hạ container và sử dụng lại cho các hoạt động khác.

Từ việc thêm chữ "e - electric" vào hệ thống cẩu RTG - loại cẩu vốn được biết đến là chiếm hơn 50% lượng tiêu thụ nhiên liệu tổng thể (chủ yếu là dầu diesel) tại một cảng điển hình - hứa hẹn sẽ giúp cho Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng xanh hơn đúng như lời ngài Đại sứ Đan Mạch chia sẻ.


Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam vừa có "siêu cảng" 6.000 tỷ đẳng cấp quốc tế: Sở hữu công nghệ khiến Đại sứ Đan Mạch ngợi khen!" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).