Tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng, lớn nhất trong số 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 – 2025, liên danh nhà thầu thi công do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.
Đây là đoạn tuyến có nhiều hầm xuyên núi nhất trên cao tốc Bắc Nam. Cụ thể, tuyến cao tốc này có 3 hầm xuyên núi, cùng 77 cầu, 586 cống, 81 hầm chui dân sinh. Trong đó, hầm số 1 có chiều dài 610 m, hầm số 2 dài 700 m và hầm số 3 là hầm cấp đặc biệt với chiều dài 3.200 m.
Sau gần 2 năm triển khai thi công, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhà thầu đã huy động hơn 4.000 nhân sự và 1.750 máy móc thiết bị, triển khai 50 mũi thi công trên toàn tuyến. Đến nay sản lượng thực hiện đạt gần 55% tổng khối lượng, 2 trong số 3 hầm xuyên núi trên tuyến đã cơ bản hoàn thành.
Trong đó, phương pháp thi công hầm NATM - hệ Đèo Cả do các kỹ sư Đèo Cả nghiên cứu cải tiến được áp dụng tại hầm số 1 và hầm số 2 giúp đẩy nhanh công tác đào, thông hầm sớm hơn thời gian yêu cầu từ 2 - 4 tháng. Cụ thể, Tập đoàn Đèo Cả tăng số lượng mũi thi công từ 4 lên 6 mũi, tăng hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí và tăng an toàn chịu lực của kết cấu hầm, khắc phục được thiết kế với hình dạng chưa được tối ưu về mặt chịu lực.
Riêng hầm số 3 đã đào được 4.500/6.400m, dự kiến thông hầm ngày 30/4/2025, góp phần đưa dự án tiến thẳng về đích vào tháng 12/2025. Về phần cầu, có 47/77 cầu đã triển khai lắp dầm, 33/77 cầu đã triển khai thi công bản mặt cầu.
Đặc biệt, Tập đoàn Đèo Cả cho biết, liên danh nhà thầu quyết tâm hoàn thành dự án sớm trước 8 tháng, đáp ứng tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu kỹ thuật . Theo đó, đến 30/9/2024 sẽ hoàn thành đắp nền; 31/12/2024 hoàn thành hầm 1 và hầm 2 và đến 30/4/2025 sẽ thông hầm số 3, tiến tới hoàn thành dự án vào 31/12/2025.
Đáng chú ý, nhà thầu áp dựng công nghệ số trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công. Công nghệ mô hình thông tin công trình (Building Information Modelling - BIM) góp phần rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng thiết kế, thi công và quản lý dự án, tiết kiệm chi phí đến 12% và giảm thời gian thi công từ 12 - 15% so với kế hoạch.
BIM hoạt động như một nền tảng dữ liệu chung, tích hợp toàn bộ thông tin về thiết kế, kết cấu, cơ điện và hệ thống kỹ thuật vào một mô hình 3D duy nhất. Nhờ đó, các nhóm thiết kế phối hợp chặt chẽ hơn, tăng tính đồng bộ và hiệu quả làm việc, đồng thời giảm thiểu sai sót. Các tài liệu như biên bản nghiệm thu cũng được tích hợp, giúp việc theo dõi và thực hiện dự án trở nên thuận tiện hơn.
Từ mô hình BIM, khối lượng vật tư và công việc có thể được trích xuất chính xác, hỗ trợ quản lý chi phí và dự báo nguồn lực, giảm rủi ro phát sinh và tăng hiệu quả tài chính. BIM còn mô phỏng chi tiết các biện pháp thi công, chẳng hạn như quy trình cải tiến tại hầm số 2, với từng bước khoan, lắp đặt thuốc nổ và vận chuyển đất đá được hiển thị trực quan qua 3D.