Nâng tầm du lịch từ những làng nghề trăm năm

Admin

04/01/2025 08:30

Ứng Hòa, vùng đất ngoại thành Hà Nội, không chỉ nổi bật với di sản văn hóa lâu đời mà còn các làng nghề truyền thống độc đáo. Nơi đây đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Huyện Ứng Hòa nằm ở phía Nam Hà Nội, được mệnh danh là "trái tim" của tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long" được Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa triển khai từ đầu năm 2024.

Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động này là chương trình “Quảng Phú Cầu - Cuộc sống và Màu sắc” (Quang Phu Cau - The Life and Color) mang đến trải nghiệm độc đáo, thu hút sự quan tâm lớn từ du khách.

Với vị trí chiến lược, Ứng Hòa không chỉ là điểm giao thoa giữa các quận, huyện lân cận mà còn giữ vai trò trung tâm trong tuyến du lịch nổi tiếng "Hà Nội - Hương Sơn - Tam Chúc - Bái Đính", thu hút đông đảo du khách bởi sự đa dạng về cảnh quan và bề dày truyền thống văn hóa.

Nâng tầm du lịch từ những làng nghề trăm năm- Ảnh 1.

Ứng Hòa, vùng đất ngoại thành Hà Nội thu hút đông đảo du khách bởi sự đa dạng về cảnh quan và bề dày truyền thống văn hóa.

Đánh giá về du lịch Ứng Hòa, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh rằng Ứng Hòa sở hữu một kho tàng di sản lịch sử, văn hóa, tôn giáo cùng những làng nghề truyền thống độc đáo, tạo nên một bức tranh du lịch vừa phong phú, vừa đậm đà bản sắc.

“Đây là nguồn tài nguyên vô giá cần được bảo tồn và phát huy, đồng thời kết nối với các sản phẩm du lịch hiện đại để hình thành một mô hình phát triển bền vững, thu hút đông đảo du khách”, bà Giang chia sẻ.

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu với hơn 100 năm tuổi là một biểu tượng sống động của sự sáng tạo và tinh thần lao động bền bỉ. Từng que hương rực rỡ sắc màu tại đây vừa là sản phẩm thủ công, vừa là câu chuyện văn hóa được thêu dệt qua bàn tay khéo léo của người dân.

Chương trình du lịch "Quảng Phú Cầu - Cuộc sống và màu sắc" đã mang đến một hơi thở mới, biến nơi đây thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật làm hương truyền thống. Du khách không chỉ được tham gia vào quá trình sản xuất mà còn có cơ hội khám phá lịch sử và giá trị văn hóa của nghề, tạo nên một trải nghiệm độc đáo.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hữu Long - một nghệ nhân tại Quảng Phú Cầu, chia sẻ: "Trước đây, tăm hương chỉ có màu đỏ cờ hoặc màu sen. Nay, để thu hút du khách, chúng tôi sáng tạo thêm nhiều màu sắc khác, giúp sản phẩm trở nên bắt mắt hơn và biến làng nghề thành điểm check-in hấp dẫn".

Nâng tầm du lịch từ những làng nghề trăm năm- Ảnh 2.

Việc công nhận Quảng Phú Cầu là "Điểm du lịch làng nghề" không chỉ khẳng định giá trị văn hóa mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế địa phương.

Hiện địa phương có khoảng 3.000 hộ dân sản xuất tăm hương, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập từ 300.000 đồng - 500.000 đồng/ngày.

Việc công nhận Quảng Phú Cầu là "Điểm du lịch làng nghề" không những khẳng định giá trị văn hóa mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế địa phương. Các hoạt động du lịch như bán sản phẩm thủ công, hướng dẫn trải nghiệm và dịch vụ ăn uống đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống của người dân và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Nếu Quảng Phú Cầu là biểu tượng của sự cần mẫn thì làng nghề may Trạch Xá lại là cái nôi của vẻ đẹp thanh lịch, nơi lưu giữ tinh hoa áo dài truyền thống Việt Nam suốt hơn 1.000 năm qua. Nghề may tại đây không chỉ sản xuất trang phục mà còn truyền tải giá trị văn hóa qua từng đường kim, mũi chỉ.

Vừa qua, làng nghề may Trạch Xá đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, khẳng định giá trị lịch sử và mở ra cánh cửa quảng bá áo dài Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Ông Lê Văn Thùy - một nghệ nhân lâu năm tại Trạch Xá chia sẻ: "Tôi yêu văn hóa dân gian, truyền thống dân tộc nên luôn cố gắng làm ra những sản phẩm thuần Việt. Làng nghề từ xưa truyền lại thế nào, tôi giữ nguyên như vậy. 

Chúng tôi sản xuất các trang phục truyền thống như áo dài liền vai nữ, áo dài nam, áo ngũ thân nam,... và nhiều loại trang phục khác, giữ gìn tinh hoa của cha ông.

Khi nghề may của làng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tôi cảm thấy vô cùng tự hào. Mong rằng làng nghề sẽ ngày càng phát triển, được nhiều người biết đến và thu hút du khách khắp nơi".

Nâng tầm du lịch từ những làng nghề trăm năm- Ảnh 3.

Làng nghề may Trạch Xá được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Hữu Phát - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu bày tỏ kỳ vọng vào chuỗi hoạt động du lịch dịp Tết âm lịch sắp tới.

"Với kỳ nghỉ Tết âm lịch dài 9 ngày năm nay, chúng tôi hy vọng các hoạt động trong kế hoạch phát triển du lịch của xã sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt, xã đang xây dựng lộ trình phát triển du lịch cụ thể và sẽ báo cáo đề xuất với UBND huyện nhằm tổ chức các hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước và tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng mọi người", vị Chủ tịch nói.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành Kế hoạch số 230/KH-UBND, dựa trên Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2045. 

Theo đó, huyện tập trung đầu tư vào các lĩnh vực giàu tiềm năng như du lịch văn hóa, du lịch nông thôn, làng nghề thủ công mỹ nghệ và ẩm thực. 

Hà Nội đề xuất thêm phương án xây dựng sân bay ở Ứng Hòa"Đánh thức" tiềm năng du lịch làng nghề phía Nam Thủ đô

Khu vực thị trấn Vân Đình cùng các xã phía bắc, vùng ven sông Đáy và Khu Cháy được định hướng phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch, kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm du lịch nông nghiệp và văn hóa đặc sắc vào năm 2030.

Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, năm 2025 ngành du lịch sẽ tận dụng lợi thế từ quy hoạch Thủ đô và Luật Thủ đô để khai thác những cơ hội vượt trội, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.

Đồng thời, ngành cũng sẽ xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các khu điểm du lịch tại các địa phương, trình UBND thành phố và HĐND phê duyệt để triển khai các hoạt động phát triển du lịch hiệu quả.

Huyện Ứng Hòa có 68 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 105 di tích được xếp hạng cấp thành phố trên tổng số 433 di tích trên địa bàn huyện, nổi bật như đền Đức Thánh Cả, đình Hoàng Xá, chùa Trầm Đăng, chùa Chòng, khu Cháy với bảo tàng và tượng đài lịch sử.

Du lịch Ứng Hòa đang có hai tuyến chính gồm:

- Tuyến 1: Tham quan di tích Nhà bảo tàng khu Cháy; Đồng Tân - khu di tích chùa Chòng; Đền Đông; Trầm Lộng - khu lưu niệm xóm Cộng Hòa; Viên Đình; thăm và tìm hiểu nghề làm đàn thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ - nghề may áo dài Trạch Xá, xã Hòa Lâm.

- Tuyến 2: Thăm Nhà bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn, xã Hòa Xá - cảnh quan sông Đáy; Đền Đức Thánh Cả, xã Hồng Quang - đình Hoàng Xá, thị trấn Vân Đình; thưởng thức đặc sản vịt Vân Đình.

Bạn đang đọc bài viết "Nâng tầm du lịch từ những làng nghề trăm năm" tại chuyên mục Văn hóa. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).