
TS Tạ Mạnh Hùng chỉ cách người dân và doanh nghiệp nhận biết thuốc thật đã được đăng ký lưu hành tại địa chỉhttps://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc - Ảnh: VGP/TH
Chiều 17/4, TS Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có cuộc trao đổi với báo chí về công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả liên quan đến việc Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
Thuốc giả phân phối dưới vỏ bọc hàng "tuồn", hàng xách tay
Thưa ông, Công an tỉnh Thanh Hoá vừa phát hiện vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn. Được biết, thời gian gần đây, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện không ít vụ việc liên quan thuốc giả. Xin ông thông tin cụ thể hơn về những vụ việc trên?
TS Tạ Mạnh Hùng: Trong năm 2023, 2024, một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội báo cáo phát hiện một số lô thuốc Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion giả. Bộ Y tế đã kịp thời chỉ đạo các Sở Y tế chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo 389, Công an, Quản lý thị trường… tập trung đấu tranh phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng quy định pháp luật.
Đầu năm 2025, do tình hình diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã chủ động mời công an và 3 địa phương có nhiều báo cáo trong năm liên quan đến thuốc giả là Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Hà Nam cùng làm việc.
Với vụ việc này, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá, các thuốc hoàn toàn không có phân phối chính thức. Các đối tượng thuê nhà kho ở khu vực hẻo lánh, sản xuất khép kín trong đấy, sau đó đưa các đối tượng đi tiếp thị và bán qua mạng.
Các đối tượng tham gia đường dây sản xuất, đưa thuốc giả ra thị trường có sự móc nối, cấu kết chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất đến khâu tìm kiếm kênh phân phối và đến tay người tiêu dùng. Các đối tượng hoạt động thông qua các trang mạng xã hội zalo, facebook,... dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược.
Các sản phẩm này được quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh của các công ty chính hãng "tuồn" ra từ nguồn hàng thầu hoặc bán chạy doanh số trái khu vực, không xuất được hóa đơn nên giao bán rẻ hơn so với hàng chính hãng của các công ty.
Đối với các loại sản phẩm "giả mạo" nguồn gốc nước ngoài thì các đối tượng giới thiệu các sản phẩm là hàng "xách tay" nên không có hóa đơn chứng từ kèm theo, để lấy lòng tin của người mua hàng.
Ngoài ra, các đối tượng thường mua thuốc thật trà trộn vào nguồn thuốc giả do các đối tượng sản xuất bán ra thị trường để đối phó với sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Khi đã có lượng khách hàng nhất định, các đối tượng chỉ bán những loại thuốc giả tự sản xuất, đa phần khách hàng hướng tới nhóm dược sĩ kinh doanh thuốc tự do tại các chợ thuốc.
Theo báo cáo sơ bộ hiện nay, toàn bộ các thuốc giả đều không được cấp giấy đăng ký lưu hành. Các đối tượng đã giả nhãn mác của các thuốc đã được cấp phép lưu hành.
Cụ thể, trong số các loại thuốc giả vừa được Công an tỉnh Thanh Hoá phát hiện, có 4 loại là giả các thuốc tân dược (Tetracyclin, Clorocid,Pharcoter, Neo-Codion).
17 loại sản phẩm giả khác, nghi là thuốc đông dược. Các sản phẩm có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh. Các đối tượng đã tự nghĩ ra tên thuốc, địa điểm sản xuất để in lên nhãn, lừa dối người tiêu dùng.

Cổng dịch vụ công tra cứu giấy đăng ký lưu hành thuốc - Ảnh: VGP/HM
Liệu có lỗ hổng trong công tác quản lý dược?
Với vụ việc trên, liệu có lỗ hổng nào trong công tác quản lý không, thưa ông? Hiện nay, công tác quản lý thuốc và phòng chống thuốc giả đang triển khai như thế nào?
TS Tạ Mạnh Hùng: Hàng năm, Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM đều căn cứ vào tình hình thực tiễn về vi phạm chất lượng thuốc, diễn biến thị trường, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc trên thị trường, để lập kế hoạch lấy mẫu, triển khai thực hiện kiểm nghiệm trong năm.
Các kế hoạch này tập trung vào các nhóm thuốc có nguy cơ cao làm giả, thuốc có nhu cầu sử dụng lớn, thuốc có nhiều khả năng biến đổi chất lượng trong quá trình lưu thông trên thị trường. Kế hoạch được xây dựng dựa trên các bộ nguyên tắc, đánh giá rất chi tiết, cụ thể.
Sau đó, các đơn vị, trung tâm kiểm nghiệm của các tỉnh, thành phối hợp các viện kiểm nghiệm để triển khai lấy mẫu, xét nghiệm.
Mỗi năm, hệ thống các đơn vị lấy khoảng 38.000-40.000 mẫu thuốc đang lưu hành trên thị trường để kiểm tra, giám sát chất lượng.
Theo báo cáo, trong số các thuốc được lấy mẫu, tỉ lệ thuốc không đạt chất lượng là dưới 1%, thuốc giả dưới 0,1%.
Tại Luật Dược cũng quy định, thuốc được chia thành nhiều loại, trong đó có vaccine và sinh phẩm. Đối với vaccine và sinh phẩm, 100% các lô đều phải được kiểm tra, đánh giá, kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng trước khi xuất xưởng.
Đối với các thuốc biệt dược, hoá dược, thử nghiệm, cổ truyền… việc kiểm soát được thực hiện theo nguy cơ, lấy mẫu để đánh giá, giám sát, kiểm tra chất lượng.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền còn tập trung thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro, xác suất, lấy mẫu đối với các thuốc có nguy cơ làm giả cao, không đảm bảo chất lượng khi lưu hành.
Người dân có thể dễ dàng tra cứu và nhận biết thuốc thật
Sau vụ việc này, là cơ quan quản lý, Cục Quản lý dược sẽ có giải pháp nào để phối hợp ngăn chặn hiệu quả hơn trong công tác phòng chống thuốc giả, thưa ông?
TS Tạ Mạnh Hùng: Công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế nhưng rất cần sự phối hợp của rất nhiều bộ, ban ngành trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc thì mới đạt hiệu quả.
Riêng trong vụ việc cụ thể như lần này và một số vụ việc trước đây, chúng tôi nhận thấy rằng, các thuốc giả chủ yếu được bán qua mạng và các kênh phân phối nhỏ lẻ.
Theo quy định, thuốc phải được cấp giấy đăng ký lưu hành thì mới được lưu hành trên thị trường. Thông tin này được công khai trên Cổng dịch vụ công tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc.
Người dân và doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin để biết được sản phẩm thuốc đã được cấp phép lưu hành hay chưa. Việc tra cứu này rất dễ dàng.
Ví dụ, 17 loại sản phẩm giả vừa được Công an tỉnh Thanh Hoá phát hiện đều không có thông tin trên Cổng dịch vụ công tại địa chỉ trên. 4 loại thuốc giả tân dược có cùng tên thuốc đã đăng ký lưu hành nhưng không cùng địa chỉ, số lô…
Các thuốc đều được cấp phép an toàn, hiệu quả thì mới lưu hành. Trong quá trình lưu hành thì Bộ Y tế, thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế, Thanh tra Sở đều có những cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và thanh, kiểm tra đột xuất khi có phản ánh để xử lý kịp thời.
Tôi xin nhấn mạnh, nếu như các đơn vị làm đúng theo quy định hiện hành, mua bán thuốc đúng đối tượng, đúng cơ sở có điều kiện kinh doanh và có hoá đơn, chứng từ thì chắc chắn sẽ không có thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xâm nhập.
Bộ Y tế xác định, thời gian tới sẽ cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các Sở Y tế và các cơ quan chức năng địa phương, cơ quan công an địa phương để công tác phòng chống thuốc giả đạt hiệu quả tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Thuý Hà (thực hiện)