Hạ tầng giao thông tại ĐBSCL đang phát triển đến đâu?
Chiều 21/4, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực phía nam.
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các tỉnh phía nam, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Về đường bộ, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ĐBSCL là 1.256 km đường bộ, bao gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang.
Đến nay, ĐBSCL đã hoàn thành 121 km trục dọc (gồm Bến Lức - Trung Lương - Mỹ Thuận chiều dài 91 km, cầu Mỹ Thuận 2 chiều dài 7 km, Mỹ Thuận - Cần Thơ chiều dài 23 km). Trong giai đoạn 2021-2025, đang triển khai 10 dự án/dự án thành phần cao tốc với chiều dài 432 km. Thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm khoảng 703 km, trong đó có dự án Cà Mau – Đất Mũi 90 km.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc ngày 21/4. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về tiến độ các dự án đường bộ trọng điểm đang triển khai, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km tiến độ hoàn thành năm 2025. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191 km đang rút ngắn tiến độ, hoàn thành trong tháng 7/2026.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu tiến độ hoàn thành năm 2027 (riêng thành phần 1 qua tỉnh Đồng Tháp địa phương đăng ký rút ngắn tiến độ hoàn thành trong năm 2025. Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đang hoàn thiện thủ tục để khởi công vào tháng 6/2025. Cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ tiến độ hoàn thành năm 2025. Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tiến độ hoàn thành năm 2025.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận có tiến độ hoàn thành năm 2025. Dự án cầu Rạch Miễu 2 tiến độ hoàn thành năm 2025.
Về hàng không, khu vực ĐBSCL có 4 cảng hàng không gồm: Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá và Phú Quốc.
Về đường sắt, ĐBSCL quy hoạch 1 tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ, chiều dài 174 km, lộ trình đầu tư trước năm 2030. Hiện đang nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch đoạn tuyến kết nối TP. Cần Thơ - TP. Cà Mau.
Theo quy hoạch hàng hải, khu vực ĐBSCL gồm 12 cảng biển: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang.
Về đường thủy nội địa, đang triển khai các dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía nam qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai; dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền qua tỉnh Đồng Tháp; chuẩn bị đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau…
Thủ tướng chỉ đạo phát triển đồng bộ cả 5 loại hình giao thông tại ĐBSCL
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn nhân dân vùng có dự án đã nhường mặt bằng, nơi ở, nơi sinh kế, nơi chôn cất, mồ mả tổ tiên… cho các dự án.
Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh đặc biệt, với nỗ lực đặc biệt, cách làm đặc biệt, có nhiều đổi mới, việc triển khai các dự án đã đạt kết quả đặc biệt, đến thời điểm này đã vượt mục tiêu đề ra, trong đó tuyến cao tốc trục ngang (Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng) theo kế hoạch hoàn thành năm 2027 nhưng phấn đấu hoàn thành tháng 7/2026, tuyến trục dọc (Cần Thơ – Cà Mau) phải hoàn thành chậm nhất vào 19/12/2025.

Ảnh minh họa tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ đoạn đi qua Cần Thơ bằng AI ChatGPT
Thủ tướng nêu rõ 3 yêu cầu lớn với các dự án là: (i) Kịp và vượt tiến độ; (ii) Bảo đảm và nâng cao chất lượng; (iii) Không đội vốn, đội giá; đồng thời không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm vệ sinh, hoàn nguyên môi trường.
Với từng lĩnh vực cụ thể, về đường bộ, Thủ tướng chỉ đạo, hết nhiệm kỳ này, ĐBSCL có 600 km cao tốc và phấn đấu tới năm 2030 có ít nhất 1.300 km cao tốc, cao hơn dự kiến trước đây gần 100 km.
Về hàng không, tiến hành mở rộng sân bay Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá, các địa phương phát huy tinh thần chủ động, tiến hành giải phóng mặt bằng.
Về đường biển, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể trong triển khai các dự án cảng lớn gồm Cái Cui, Trần Đề, Hòn Khoai.
Về đường sông, quy hoạch đã có, Bộ Xây dựng thiết kế mẫu các cảng thủy nội địa, các tỉnh rà soát, chủ động, quyết định các dự án theo thẩm quyền. Tinh thần là Trung ương chỉ triển khai các dự án lớn kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế.
Về đường sắt, Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị khởi công đường sắt TPHCM – Cần Thơ trong năm 2027, Cần Thơ – Cà Mau trong năm 2028.

Vị trí hướng, tuyến của dự án đường sawys TP.HCM - Cần Thơ. Ảnh: NLĐ
Thủ tướng nhấn mạnh cần phát triển đồng bộ các phương thức giao thông tại ĐBSCL với tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ"; "cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng thắng, cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và tự hào khi có thành quả".
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, chiều dài khoảng 174 km đi qua 6 tỉnh/thành phố, đường đôi, khổ 1435mm, lộ trình nghiên cứu, đầu tư trước năm 2030.
Dự án có điểm đầu tại ga An Bình (phường Dĩ An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và điểm cuối tại ga Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).
Tuyến đường sắt này sẽ đi qua 6 tỉnh/thành phố, bao gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ.
Khi hoàn thiện, tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435 mm, sử dụng công nghệ điện khí hóa. Trong giai đoạn I, tuyến sẽ được xây dựng dưới dạng đường đơn từ An Bình đến Cần Thơ với tổng chiều dài 175,2 km.
Tuyến đường được thiết kế với vận tốc tối đa 120 km/h cho tàu hàng và 160 km/h cho tàu khách. Hệ thống tàu khách sử dụng công nghệ động lực phân tán EMU, trong khi tàu hàng áp dụng công nghệ động lực tập trung.
Dự kiến đến năm 2055, tuyến sẽ có khả năng vận chuyển khoảng 26,148 triệu tấn hàng hóa/năm và 18,324 triệu hành khách/năm.
Trên tuyến sẽ bố trí 12 ga, 4 trạm khách tương lai, 3 depot cùng 4 trạm bảo dưỡng và khám xe. Ngoài ra, tuyến sẽ có 3 cầu vượt sông lớn (sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) và 2 cầu vượt sông đặc biệt lớn (sông Tiền, sông Hậu).
Tổng mức đầu tư sơ bộ vào khoảng 238.616 tỷ đồng (tương đương 9,84 tỷ USD).
Còn tuyến đường sắt Cần Thơ - Cà Mau hiện chưa được nghiên cứu xây dựng báo cáo tiền khả thi.