Thành quả đến với những nhà bán hàng từng kiên trì livestream đều đặn 4-8 tiếng/ngày dù chỉ vài chục mắt xem

Admin

12/12/2024 16:30

Sáng kiến “Tự Hào Hàng Việt” được TikTok ra đời nhằm thu hẹp khoảng cách giữa người tiêu dùng và sản phẩm Việt, cũng như hỗ trợ nhà bán nâng cao năng lực thương mại điện tử. Xuyên suốt hành trình, ẩn sau những con số về số lượt xem hay phiên livestream, chúng ta còn thấy nỗ lực lớn và sức bật của nhà bán hàng Việt trên thị trường TMĐT.

Những “bài toán” cần phải giải trong nỗ lực quảng bá sản phẩm Việt

Ngày 7/5/2018, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, góp phần xây dựng nông thôn mới. Thông qua OCOP, đã có nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương với chất lượng tốt được công nhận. Tuy nhiên, cái khó của bà con vẫn nằm ở khâu đầu ra.

Sản phẩm OCOP, mặc dù đã có nhiều nỗ lực quảng bá nhưng vẫn chưa đủ để tạo ra bước chuyển đột phá về nhận thức và tiêu thụ. Đến năm 2022, người tiêu dùng nội địa vẫn ít biết đến hoặc không có thói quen chọn lựa sản phẩm OCOP, khiến thương hiệu này chưa thể khai thác hết giá trị. Như vậy, thu hẹp khoảng cách giữa người tiêu dùng với sản phẩm OCOP trở thành "bài toán" cần phải giải.

Cùng chung bài toán đầu ra với nông đặc sản OCOP, nhiều doanh nghiệp Việt tuy có thế mạnh về sản xuất và chất lượng sản phẩm nhưng lại đuối sức trước cuộc đua với đối thủ ngoại. Với hạn chế về nguồn vốn, kỹ thuật tiếp thị và kênh phân phối, nhiều sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao phải cạnh tranh khốc liệt trên sân nhà.

Và trong bối cảnh thương mại điện tử đã và đang trở thành kênh phân phối quan trọng, rất cần có các chương trình hành động tích cực, có sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội các doanh nghiệp và các sàn thương mại điện tử.

Thành quả đến với những nhà bán hàng từng kiên trì livestream đều đặn 4-8 tiếng/ngày dù chỉ vài chục mắt xem- Ảnh 1.

Thu hẹp khoảng cách giữa người tiêu dùng và sản phẩm Việt, hỗ trợ nhà bán nâng cao năng lực thương mại điện tử là bài toán khó cần phải giải

Tuy nhiên, một bài toán khó khác lại được đặt ra: Liệu bà con tiểu thương và các doanh nghiệp truyền thống có sẵn sàng với các giải pháp thương mại điện tử?

Cơ hội mở rộng kinh doanh trên phương thức hiện đại này cũng đi đôi với những “thách thức” mới, đòi hỏi nhà bán hàng chủ động mở rộng năng lực cốt lõi, không ngừng học hỏi và thích ứng với các công cụ công nghệ, kỹ thuật bán hàng mới. Bên cạnh đó, các nhà bán cũng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nguyên tắc quản lý của nền tảng và nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước,...

Do đó, bên cạnh các bài toán truyền thống về xây dựng thương hiệu, marketing, việc thuyết phục các tiểu thương, doanh nghiệp truyền thống đổi mới, kiên trì bồi đắp các kỹ năng và thử nghiệm kinh doanh nền tảng số cũng là thách thức không nhỏ. Song, bài toàn này phải vượt qua để đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp và nhà bán địa phương trong nền kinh tế số.

Thành quả đến với những nhà bán hàng từng kiên trì livestream đều đặn 4-8 tiếng/ngày dù chỉ vài chục mắt xem- Ảnh 2.

Sáng kiến "Tự Hào Hàng Việt" giúp giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản

Và sáng kiến “Tự Hào Hàng Việt” (#BuyLocal) gồm hai chương trình “Chợ Phiên OCOP” và “Tự Hào Hàng Việt" do TikTok phối hợp cùng các cơ quan Chính phủ, các đối tác và các nhà sáng tạo nội dung ra đời nhằm giải quyết tất cả các bài toán trên.

Trong đó, "Chợ Phiên OCOP" là sáng kiến cộng đồng do TikTok Shop và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, trực thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp thực hiện từ tháng 5/2023. Tại đây, đội ngũ TikTok Shop cùng các đối tác, các nhà sáng tạo nội dung đi đến từng địa phương để trực tiếp cùng các chủ thể OCOP tổ chức thực hiện các phiên siêu livestream bán hàng.

Với những thành công của giai đoạn 1, giai đoạn 2 - “Tự hào hàng Việt” là một phiên bản nâng cấp cả về quy mô và chiều sâu. Khởi động từ tháng 3/2024, chương trình đặt trọng tâm hỗ trợ hàng triệu doanh nghiệp SME Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt với các sản phẩm hàng Việt chất lượng thông qua TikTok Shop.

Bên cạnh các phiên livestream, các chương trình đào tạo được TikTok Shop xây dựng sát sườn với nhu cầu thực tế của các chủ thể OCOP, bao phủ 6 vùng kinh tế trên cả nước. Bên cạnh đào tạo cho doanh nghiệp, chương trình còn mở rộng đến tiểu thương chợ truyền thống và hộ kinh doanh mặt phố, giúp họ mở rộng kênh phân phối trong nền kinh tế số.

Ngoài ra, sự ra đời của “30 Ngày Vàng” đã hỗ trợ 1:1 cho doanh nghiệp và tiểu thương sau khi hoàn thành khóa đào tạo, giúp duy trì động lực bán hàng và giải đáp thắc mắc cho các nhà bán mới.

Chia sẻ việc hợp tác với TikTok, theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Việc hợp tác với TikTok đóng vai trò quan trọng giúp giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hợp tác góp phần củng cố và hiện thực hóa mục tiêu và định hướng của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp”.

Sức bật của nhà bán hàng Việt trên thị trường thương mại điện tử

Sau khoảng thời gian “lăn bánh”, sáng kiến “Tự Hào Hàng Việt” đã giúp sản phẩm Việt thu hẹp dần khoảng cách với người tiêu dùng. Đi qua 38 tỉnh, thành phố, tiếp cận hơn 3.500 nhà bán hàng, thực hiện hơn 1.000 phiên livestream và thu hút 1,96 tỷ lượt xem chính là những thành công rõ nét của “Chợ Phiên OCOP”.

Không kém cạnh, “Tự Hào Hàng Việt” với 68.000 sản phẩm, hơn 3.000 phiên livestream được thực hiện với 360 triệu lượt xem gắn hashtag #Tuhaohangviet. Bên cạnh đó, chương trình đã triển khai hơn 100 buổi đào tạo, tập huấn cho hơn 5.000 doanh nghiệp và nhà bán.

Thành quả đến với những nhà bán hàng từng kiên trì livestream đều đặn 4-8 tiếng/ngày dù chỉ vài chục mắt xem- Ảnh 3.

Thông qua “Tự Hào Hàng Việt”, đã có nhiều câu chuyện thành công của các doanh nghiệp trên TikTok Shop được tỏ bày. Đó là những thương hiệu kỳ cựu như Bông Bạch Tuyết cho tới những tên tuổi trẻ như APG ECO, hay là câu chuyện mang hương vị nguyên bản của sợi miến dong Tây Bắc thoát khỏi tình cảnh "nông sản được giá mất mùa, được mùa mất giá" của Sùng Bầu. Tất cả những câu chuyện được kể chính là minh chứng tiêu biểu cho tác động tích cực của TikTok Shop giúp doanh nghiệp chuyển mình và bứt phá.

Điển hình như câu chuyện của Bông Bạch Tuyết - thương 60 năm tuổi trong lĩnh vực sản xuất bông y tế và các sản phẩm chăm sóc cá nhân đã thành công “lột xác” qua TikTok Shop.

Tuy sở hữu thế mạnh trong sản xuất, Bông Bạch Tuyết từng gặp khó khăn trong tiếp thị và truyền thông thương hiệu. Tuy nhiên, nhờ bước chuyển mình trên TikTok Shop, kết thúc mùa Mega Sale 9/9, thương hiệu đã thực hiện hơn 4 nghìn phiên livestream kết hợp với các Affiliate Creator trên TikTok Shop, nhận về doanh thu đóng góp tới gần 50% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Thành quả đến với những nhà bán hàng từng kiên trì livestream đều đặn 4-8 tiếng/ngày dù chỉ vài chục mắt xem- Ảnh 4.

Hơn cả những con số, “Tự Hào Hàng Việt” còn cho thấy tiềm năng, sức bật và khả năng thích ứng nhanh với thương mại điện tử của các doanh nghiệp trong nước

Hơn cả những con số, “Tự Hào Hàng Việt” còn cho thấy tiềm năng, sức bật và khả năng thích ứng nhanh với thương mại điện tử của nhiều doanh nghiệp trong nước. Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ: “Với một số doanh nghiệp, thời gian đầu khi mới làm quen với livestream bán hàng, nhiều nhà bán kiên trì livestream đều đặn 4-8 tiếng/ngày dù chỉ có vài chục mắt xem. Họ tìm thấy niềm vui trong mỗi đơn hàng bán ra, mỗi lượt xem và tương tác, lấy đó làm động lực để tiếp tục thích nghi và sáng tạo”.

“Chính sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp địa phương đi cùng với sự hỗ trợ của nền tảng, hàng hóa địa phương, hàng Việt có cơ hội nâng cao sức hút và khả năng cạnh tranh, trong bối cảnh hàng hóa đa nguồn, tạo nền tảng vững chãi cho hàng Việt vươn xa”, Đại diện TikTok Shop cho biết.

Trong tương lai, TikTok sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp Việt, thông qua phát triển và mở rộng sáng kiến #BuyLocal trong dài hạn. Dự án hướng tới phối hợp sâu sắc hơn với các cơ quan nhà nước, các tổ chức, hiệp hội, và các lực lượng khác nhau trong xã hội nhằm tăng cường hỗ trợ cho tiểu thương, doanh nghiệp địa phương.

Bên cạnh tiếp cận theo chiều ngang, TikTok Shop đặt mục tiêu phát triển chương trình theo chiều dọc, hướng tới từng ngành hàng để mang tới những hỗ trợ chuyên sâu, đặc thù cho các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế khác nhau. Đây cũng là định hướng giúp các chương trình đào tạo kỹ năng đi và thúc đẩy bán hàng của TikTok được đi vào chiều sâu.

Bạn đang đọc bài viết "Thành quả đến với những nhà bán hàng từng kiên trì livestream đều đặn 4-8 tiếng/ngày dù chỉ vài chục mắt xem" tại chuyên mục Công nghệ - Xe. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0359 276 785 hoặc gửi về địa chỉ email ([email protected]).