Tạo thuận lợi cho người dân
Ngày 12/12, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tổ chức hội nghị thẩm định bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 10 của thành phố Hà Nội triển khai hệ thống này.
Hiện, Hà Nội có 42 bệnh viện công lập nhưng hiện chỉ có 9 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bao gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức; Bệnh viện đa khoa Vân Đình, Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai, Bệnh viện đa khoa Đông Anh.
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, là đơn vị tuyến cuối chuyên ngành ung bướu, với 17 khoa lâm sàng, 6 khoa cận lâm sàng và 10 phòng chức năng. Bệnh viện triển khai thực hiện phần mềm bệnh án điện tử từ tháng 5/2024.
Năm 2016, bệnh viện bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh, quản lý bệnh viện.
Hiện tại, bệnh viện đã và đang triển khai đồng bộ, hiệu quả hệ thống phần mềm chuyên môn; đầu tư, nâng cấp hạ tầng, hệ thống phần cứng nhằm đảm bảo kết nối nhanh chóng, hoạt động thông suốt, bảo mật và an toàn dữ liệu.
Bệnh viện từng bước đưa vào áp dụng việc thanh toán điện tử, chữ ký số, lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay thế cho in phim, lưu trữ thông tin xét nghiệm thay thế cho việc in giấy, sử dụng các phần mềm bệnh viện…
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế được xác định là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, bước đi tất yếu và cấp bách giúp nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, cải thiện sức khỏe cộng đồng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành y tế.
Mong rằng, trong thời gian tới tiếp tục có nhiều bệnh viện của thành phố sớm triển khai bệnh án điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh, giúp việc quản lý hồ sơ sức khỏe người dân dễ dàng, thuận tiện hơn.
Đặc biệt, việc thực hiện chuyển đổi số đã làm thay đổi phương thức làm việc của cán bộ y tế. Vì vậy, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quy trình chuyển đổi số trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Ông Nguyễn Đình Hưng cho biết, Hà Nội đã triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố; kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tăng cường kết nối, liên thông làm giàu dữ liệu; mở rộng triển khai bệnh án điện tử đến toàn bộ cơ sở y tế.
Qua đó, tạo môi trường làm việc số, tư duy số đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến khám chữa bệnh.
Đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử
Tại hội nghị, đại diện Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã báo cáo kết quả xây dựng bệnh án điện tử theo Thông tư 54 ngày 29/12/2017 và Thông tư số 46 ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế.
Sau khi nghe báo cáo, Hội đồng thẩm định đã tiến hành khảo sát, kiểm tra cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống HIS (hệ thống quản lý thông tin bệnh viện), LIS (hệ thống thông tin phòng xét nghiệm), RIS (hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh), PACS (hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh) và một số khoa lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh viện.
Kết quả, việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin của bệnh viện đáp ứng yêu cầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thống nhất Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đủ điều kiện để triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.
Kết luận buổi làm việc, PGS.TS Trần Quý Tường- Chủ tịch Hội tin học Y tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị bệnh viện tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định đầy đủ, chi tiết hơn, tiếp tục nâng cấp và bổ sung thiết bị, phần mềm để phục vụ tốt cho việc triển khai bệnh án điện tử chính thức.
Bệnh viện cần đảm bảo hệ thống lưu trữ dữ liệu, xây dựng kế hoạch lưu trữ dữ liệu hàng năm, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin để triển khai phần mềm chính xác, hiệu quả hơn, kết nối liên thông với các phần mềm khác.
Việc ứng dụng bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy là bước đi đột phá trong chuyển đổi số của ngành y tế, giúp giảm sai sót về chuyên môn, nâng cao hiệu quả, chất lượng; giúp việc lưu trữ chi tiết thông tin lịch sử của người bệnh; tăng cường tính tương tác giữa người bệnh và nhân viên y tế.