Song hành với ngành chăn nuôi là công nghiệp vắc-xin

Admin

28/12/2024 16:12

Trong chăn nuôi, vắc-xin là một biện pháp hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại, giúp sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm…

Sáng 28/12, Diễn đàn "Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vắc-xin thú y tại Việt Nam" đã được tổ chức nhằm đánh giá tình hình nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, sử dụng vắc-xin thú y tại Việt Nam; công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng tại Việt Nam từ việc lựa chọn đúng vắc-xin FMD…

Biện pháp hiệu quả giảm thiểu thiệt hại

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chia sẻ: "Trong bối cảnh nhiều biến thể dịch bệnh như hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh trong chuồng trại và đàn vật nuôi phải được thực hiện một cách chặt chẽ và bảo vệ nghiêm ngặt".

Vắc-xin là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu thiệt hại, giúp sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm (ATTP). Sử dụng vắc-xin không chỉ giúp giảm bệnh truyền nhiễm mà còn đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn cho vật nuôi.

Song hành với ngành chăn nuôi là công nghiệp vắc-xin- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Thời gian qua, nhờ sự không ngừng cải tiến và các kết quả nghiên cứu vắc-xin qua nhiều thế kỷ, cả con người và vật nuôi đều được hưởng lợi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an ninh lương thực thế giới. "Song hành với ngành chăn nuôi là công nghiệp vắc-xin", bà Thanh Thủy khẳng định.

Theo bà Thủy, Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vắc-xin thú y; đã sản xuất được một số loại vắc-xin phòng bệnh quan trọng như: Cúm gia cầm vào năm 2012; vắc-xin phòng bệnh tai xanh từ năm 2015; vắc-xin lở mồm long móng từ năm 2018; vắc-xin phòng bệnh dại từ năm 2019 và gần đây nhất là vắc-xin phòng dịch tả lợn Châu Phi (NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE) năm 2022.

"Trong thời gian tới, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển và sáng tạo ra các loại vắc-xin mới, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe vật nuôi và người tiêu dùng. Với xu hướng xã hội hóa nguồn lực cùng sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngành thú y và chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vắc-xin hiện đại", bà Thủy chia sẻ.

Hiện, Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO, trong đó 12 cơ sở sản xuất vắc-xin thú y với mức đầu tư khoảng 30-40 triệu USD/nhà máy.

Tiêm phòng bệnh vẫn còn hạn chế

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh sự cần thiết phải sản xuất vắc-xin thú y trong nước để đối phó với tình trạng dịch bệnh gia tăng trên động vật tại Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh trên các loài gia súc, gia cầm và động vật hoang dã đang ngày càng gia tăng, mặc dù hiện nay dịch tả lợn Châu Phi và dịch bệnh trên trâu bò cơ bản được kiểm soát.

Song hành với ngành chăn nuôi là công nghiệp vắc-xin- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT).

"Việt Nam có đường biên giới dài và hoạt động trao đổi thương mại, đi lại giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh mới, bao gồm cúm gia cầm chủng mới, dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục, lây lan nhanh chóng", ông Long nhận định.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Thú y khuyến nghị các chi cục chăn nuôi, thú y, thủy sản và các doanh nghiệp liên quan cần hợp tác chặt chẽ trong công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. "Việc sử dụng vắc-xin là vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc kiểm soát dịch bệnh", ông Long khẳng định.

Cập nhật về tình hình dịch bệnh và công tác tiêm phòng vắc-xin, ông Nguyễn Văn Long cho biết, cúm gia cầm năm nay đã có 16 ổ dịch, giảm 30% so với năm trước. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt yêu cầu.

Về bệnh dại, Việt Nam ghi nhận 887 ca tử vong do bệnh dại trong vòng 10 năm qua, riêng ba tháng đầu năm nay, 27 người chết vì dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng.

Ngoài ra, ông Long cũng thông tin: "Bệnh lở mồm long móng là một trong những bệnh nguy hiểm đối với chăn nuôi gia súc, đang có xu hướng gia tăng mạnh. Tình hình dịch bệnh này hiện nay đã tăng gấp 3 lần so với trước đây".

Song hành với ngành chăn nuôi là công nghiệp vắc-xin- Ảnh 3.

Trong chăn nuôi, vắc-xin là một biện pháp hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại, giúp sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm…

Ngoài ra, bệnh viêm da nổi cục trên gia súc chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêm phòng, chỉ đạt 47% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, bệnh tai xanh ở lợn đã được kiểm soát trong nhiều năm qua, nhưng số lượng vắc-xin vẫn còn hạn chế, gây lo ngại cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn.

Theo ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, Nam, có 7 loại vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi được phát triển. Trong đó, vắc-xin AVAC ASF Live là vắc-xin nhược độc, đông khô, dùng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, thời gian bảo hộ ít nhất 5 tháng.

[E] Nghiên cứu vắc-xin thiếu công nghệ như “đánh giặc” bằng tay không

"Thử nghiệm tại trên 20 tỉnh, vắc-xin AVAC ASF Live được đánh giá an toàn và bảo vệ tốt", ông Điệp chia sẻ.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc AVAC cũng chỉ ra một số khó khăn tồn tại như người chăn nuôi do dự với vắc-xin mới; còn những vắc-xin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; các loại vắc-xin ASF hiện nay mới chỉ dùng cho lợn thịt. Chính quyền địa phương quản lý chặt việc thương mại và chưa có tiêu chuẩn về vắc-xin ASF của WOAH (Tổ chức Thú y thế giới) và sự xuất hiện biến chủng mới rASFI/II.

Theo đó, đại diện Công ty AVAC đề xuất giải pháp cho thương mại hóa vắc-xin, đăng ký bổ sung đối tượng sử dụng là lợn sinh sản, hợp tác với các tổ chức quốc tế để đánh giá độc lập và công bố quốc tế (Tổ chức thú y thế giới), cũng như các cơ quan, tổ chức để phổ biến và cung ứng vắc-xin. Đồng thời, sẽ cần thúc đẩy việc đăng ký và dùng thử ở các nước khác và phát triển vắc-xin mới chống lại chủng ASFV mới.

Bạn đang đọc bài viết "Song hành với ngành chăn nuôi là công nghiệp vắc-xin" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).