Sáp nhập tỉnh thành, bỏ cấp huyện: Hàng chục nghìn trường học, bệnh viện của huyện sẽ thế nào?

Admin

17/04/2025 18:00

Sau khi bỏ cấp huyện, các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập sẽ giữ nguyên và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký Công văn số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 gửi Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.

Trong công văn có nêu rõ việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện hiện nay để chuyển giao, thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo định hướng tại Kết luận số 137-KL/TW và hướng dẫn của các Bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực sự nghiệp.

Về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, sau khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định liên quan đến tổ chức hoạt động của đơn vị sự nghiệp để bảo đảm hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân.

Sáp nhập tỉnh thành, bỏ cấp huyện: Hàng chục nghìn trường học, bệnh viện của huyện sẽ thế nào?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại phiên họp hôm 18/3 - Ảnh: VGP

Cụ thể, đối với lĩnh vực giáo dục sẽ giữ nguyên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý.

Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo liên xã, phường.

Đối với lĩnh vực y tế, sau khi bỏ cấp huyện, duy trì các Trạm Y tế xã, phường hiện có để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Căn cứ vào diện tích, quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp xã mới, UBND cấp tỉnh có thể tổ chức lại thành 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ về phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn.

Đối với các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về Sở Y tế quản lý để sắp xếp, tổ chức cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, hôm 12/4, Bộ GD-ĐT cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo Bộ GD-ĐT, ngày 7/4, Chính phủ có Nghị quyết 74 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Chính phủ giao Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.

Bộ GD-ĐT đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện rà soát, xác định các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục hiện nay cấp huyện đang thực hiện để điều chỉnh chuyển về cấp tỉnh (Sở GD-ĐT) hay UBND xã quản lý.

Thống nhất thực hiện nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đối với chuyên môn của ngành; tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ nhà giáo do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Sở GD-ĐT) thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh để điều tiết chung, xử lý tình huống thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Sáp nhập tỉnh thành, bỏ cấp huyện: Hàng chục nghìn trường học, bệnh viện của huyện sẽ thế nào?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Lao động Thủ đô

Về tổ chức thực hiện, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường THCS, tiểu học, mầm non theo Kết luận số 137 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Chiều 12/4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII thống nhất cao các chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 06 thành phố trực thuộc Trung ương); cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Tại phiên họp chiều 14/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ động hướng dẫn, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương chuẩn bị sẵn sàng để 1/7 vận hành bộ máy mới sau khi sắp xếp, sáp nhập.

 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm 2023, cả nước hiện có 37.619 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, trong đó nhiều nhất là ở cấp tiểu học với 12.354 trường, cấp mầm non có 12.152 trường, cấp trung học cơ sở có 10.672 trường...

Các đơn vị giáo dục phổ thông công lập trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo (Phòng GD-ĐT) cấp huyện gồm: Trường Trung học cơ sở (THCS), trường Tiểu học, trường Mầm non (Nhà trẻ, Mẫu giáo).

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên do UBND cấp huyện trực tiếp quản lý.

Bạn đang đọc bài viết "Sáp nhập tỉnh thành, bỏ cấp huyện: Hàng chục nghìn trường học, bệnh viện của huyện sẽ thế nào?" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).