Sau khi mạng xã hội lan truyền thông tin xe ô tô cũ không được vào nội đô Hà Nội và TPHCM, anh Lê Xuân (Long Biên, Hà Nội) cho biết, gia đình đang sử dụng xe ô tô sản xuất năm 2016. Hằng ngày, anh Xuân lái xe đưa vợ con đi học, đi làm ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
“Nếu thông tin cấm xe ô tô sản xuất trước 2017 là thật sẽ khiến việc đi lại của gia đình tôi đảo lộn. Tôi mong nếu cấm ô tô cũ, Hà Nội nên có chính sách phát triển phương tiện công cộng như xe buýt điện, dự án tàu điện trên cao… để người dân thuận tiện đi lại và đáp ứng việc hạn chế ô nhiễm môi trường”, anh Xuân chia sẻ.

Ô tô của người dân lưu thông theo hướng vào nội thành Hà Nội Ảnh: Nguyễn Đức
Suy nghĩ của anh Xuân cũng là sự lo lắng của nhiều người dân sinh sống, làm việc tại Hà Nội và TPHCM đang sử dụng xe ô tô cũ. Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, thông tin này xuất phát từ việc Bộ NN&MT lấy ý kiến về dự thảo Quyết định quy định về lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải ô tô lưu hành tại Việt Nam. Quy chuẩn mới dự kiến chia khí thải ô tô thành 5 mức, tương ứng với các tiêu chuẩn Euro. Dự thảo không đề cập tới việc cấm xe lưu hành theo năm sản xuất, chỉ quy định tiêu chuẩn khí thải phải đáp ứng tùy vào năm sản xuất.
Nội dung dự thảo đề xuất, ô tô sản xuất từ năm 2017 đăng ký biển số tại Hà Nội và TPHCM có thể sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 ngay đầu năm 2026. Với ô tô sản xuất từ năm 2022, nếu đăng ký biển số tại 2 thành phố này, sẽ áp dụng mức 5 từ đầu năm 2027. Vì vậy, việc cấp biển số cho xe ô tô tại Hà Nội và TPHCM tính theo mức kiểm định khí thải.
Dù không thể phủ nhận lợi ích của chính sách mới về khí thải, nhưng nhiều chuyên gia và người dân trông đợi hơn cả ở chính sách hỗ trợ để giảm gánh nặng cho người dân. Việt Nam có thể học nhiều quốc gia trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới, hoặc khuyến khích xe tiêu thụ nhiên liệu xanh.
Kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch hoàn toàn ủng hộ chủ trương về tiêu chuẩn khí thải mới đối với ô tô. Tuy nhiên, ông Tạch đề xuất, bên cạnh áp dụng tiêu chuẩn khí thải, cơ quan chức năng không cấp phép đăng kiểm xe cũ nát, xe không được bảo dưỡng, sửa chữa cẩn thận gây ô nhiễm môi trường.
“Áp dụng tiêu chuẩn khí thải cho xe ô tô nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường là hợp lý. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ việc phân biệt xe mang biển số khác nhau, áp dụng tiêu chuẩn khác nhau”, ông Tạch nói.
Bộ NN&MT dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại tới 5-7 % GDP hằng năm. Tại Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày; quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí do hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành. Kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia môi trường cho thấy, tỷ lệ đóng góp ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông vận tải dao động trong khoảng từ 20-60%.