Ngày 31-3 vừa qua, Nghị định 73/2025 của Chính phủ chính thức có hiệu lực, quy định việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với ba mã hàng ô tô. Theo đó, các mã HS 8703.23.63 và HS 8703.23.57 có mức thuế nhập khẩu giảm từ 64% còn 32%, trong khi mã HS 8703.24.51 được điều chỉnh từ 45% xuống còn 32%.
Chính sách này áp dụng đối với tất cả các quốc gia là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương.
Giới chuyên môn nhận định động thái này có thể tác động rõ rệt đến thị trường ô tô trong nước, mở ra cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận các thương hiệu xe nước ngoài với mức giá hợp lý hơn, đặc biệt là những dòng xe đến từ Mỹ và Trung Quốc – hai thị trường chưa có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và do đó đủ điều kiện hưởng mức thuế ưu đãi theo MFN.
Tại thị trường Việt Nam, nhiều mẫu xe nổi bật hiện đang được nhập khẩu từ Mỹ như Ford Explorer, Mercedes-Benz GLE, GLS 450, Maybach GLS 480 hay các dòng BMW X5, X6, X7. Trong đó, mẫu SUV Ford Explorer dung tích 2.3L từng được Ford Việt Nam phân phối với mức giá trên 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, hãng này đã tạm ngừng nhập mẫu xe này và chưa có kế hoạch cụ thể về việc tái nhập. Nếu được nhập khẩu trở lại với mức thuế mới, giá bán lẻ có thể sẽ giảm tương ứng, giúp xe dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng.

Ford Explorer - một trong những mẫu xe nhập Mỹ được ưa chuộng tại Việt Nam
Mercedes-Benz Việt Nam hiện có ba mẫu xe được nhập khẩu từ Mỹ và nằm trong diện được giảm thuế, bao gồm GLE, GLS 450 và Maybach GLS 480. Trong đó, mẫu GLE đang tạm ngừng nhập khẩu, hai mẫu còn lại cũng chưa có kế hoạch phân phối mới trong thời gian tới. BMW cũng đang phân phối một số phiên bản xe nhập từ Mỹ, và nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế lần này.
Dù vậy, các chuyên gia trong ngành nhận định rằng việc giảm thuế nhập khẩu ô tô không đồng nghĩa với việc giá xe bán ra sẽ giảm tương ứng. Một phần đáng kể của lợi ích từ việc giảm thuế có thể bị bù trừ bởi các yếu tố khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, chi phí vận chuyển và chi phí cấu thành giá bán.
Theo một lãnh đạo của một hãng xe sang tại Việt Nam, mức thuế giảm 6% có thể chỉ giúp giảm khoảng 3% giá bán thực tế, do phần còn lại bị "ăn mòn" bởi các loại thuế gián thu khác.
Bên cạnh đó, giá xe nhập khẩu còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố trượt giá – mỗi năm, giá xe thường tăng 1,5–2% để bù đắp chi phí biến động. Ngoài ra, nhiều hãng sản xuất có thể sử dụng phần lợi nhuận từ việc giảm thuế để trang bị thêm các tiện ích và công nghệ mới cho xe, thay vì giảm giá bán. Điều này lý giải vì sao một số mẫu xe nhập khẩu không những không giảm giá, mà thậm chí còn có xu hướng tăng giá hàng trăm triệu đồng so với trước đây.
Vị lãnh đạo này ước tính nếu được áp dụng đúng như đề xuất, mức giảm giá thực tế của các mẫu xe thuộc ba mã hàng được điều chỉnh có thể lên tới 10%. Chẳng hạn, một chiếc xe đang có giá bán khoảng 2 tỉ đồng có thể giảm còn 1,8 tỉ đồng. Điều này không chỉ tạo lợi thế cho xe Mỹ, mà còn mở ra khả năng cạnh tranh từ các dòng xe Trung Quốc – quốc gia cũng thuộc thành viên WTO và có thể nằm trong diện hưởng mức thuế nhập khẩu MFN mới.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng liên quan đến việc chính sách này có được áp dụng cho xe nhập khẩu từ Trung Quốc hay không. Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Auto Việt Nam, cho biết hiện thuế nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc vẫn ở mức 50%, và BYD chưa có thông tin chính thức về khả năng điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu được giảm, hãng này sẽ cân nhắc điều chỉnh chiến lược giá để tiếp cận tốt hơn với thị trường.