Việt Nam có loại cây trà quý hiếm: "Thần dược" ra sao mà người Trung Quốc lùng mua cả cây, hoa, lá?

Admin

03/04/2025 00:02

Đây là một loại cây đã có lâu đời ở Việt Nam, có tác dụng phòng hộ rừng. Thời gian gần đây, tác dụng của loại cây này mới được biết đến và được “săn lùng”.

Cây trà hoa vàng là một cây dược liệu quý mọc dưới tán rừng và mới được tìm ra nhiều có nhiều công dụng. Cây dùng hoa và lá làm trà.

“Do có nhiều công dụng, hiện nay “thần dược” này đang được thương lái Trung Quốc đang thu mua toàn bộ các cây, hoa và lá. Giá trà hoa vàng thương phẩm trên thị trường hiện khoảng 8-10 triệu đồng/kg, loại đặc biệt có giá 12-18 triệu đồng/kg, giá lá khô cũng bán được khoảng 300.000-500.000 đồng/kg” – Báo Kinh tế Đô thị đăng tải.

Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết, cây trà hoa vàng có tên khoa học là Camellia chrysantha, là một loài thực vật hạt kín trong họ Theaceae, được tìm thấy ở Trung Quốc (Quảng Tây) và ở Việt Nam tại Ba Vì (Hà Nội) và tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Nghệ  An, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Đà Lạt, Tuyên Quang, Đồng Nai, Gia Lai.

Tại Việt Nam, "thủ phủ" của cây trà hoa vàng nằm tại xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây có diện tích trồng trà hoa vàng lên đến 205 ha. Trà hoa vàng tại Ba Chẽ được đánh giá là có giá trị dược lý chất lượng tốt nhất.

Việt Nam có loại cây trà quý hiếm: "Thần dược" ra sao mà người Trung Quốc lùng mua cả cây, hoa, lá?- Ảnh 1.

Cây trà hoa vàng.

Theo ông Sáng, cây trà hoa vàng là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị để lấy hoa và lá để làm dược liệu. Cây có thể trồng tầng dưới ở các đai rừng phòng hộ, trồng làm cây cảnh hay làm đồ uống, có tác dụng phòng và chống các bệnh huyết áp, tim mạch, đái tháo đường và phòng ngừa ung thư.

Ông Bùi Đắc Sáng cho hay, sau một thời gian khai thác quá mức, người dân "bứng" cây bán cho thương lái Trung Quốc nên cây trà hoa vàng bị đe dọa. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, các giống chè hoa vàng đang được trồng và bảo tồn ở nhiều nơi để lưu giữ nguồn gen quý.

Cây kinh tế, bảo vệ rừng

Ông Sáng đánh giá, cây trà hoa vàng là cây dược liệu mang lại lợi ích kinh tế cao. Việc trồng cây trà hoa vàng còn có ý nghĩa lớn trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Cây trà hoa vàng là cây gỗ nhỏ hay cây bụi; nhánh mảnh, không lông. Lá có phiến thuôn, dài 11–14 cm, rộng 4–5 cm, không lông, mép có khía răng cưa nhỏ, gân bên khoảng 10 đôi; cuống lá dài 6–7 mm. Cây sinh trưởng trong các khu rừng ẩm có độ cao dưới 500 m. Cây thường cao từ 2 đến 5m nên được trồng dưới tán rừng.

“Cây trà hoa vàng ưa bóng râm, có thể trồng xen kẽ với cây rừng mà không cần phá rừng, giúp duy trì thảm thực vật tự nhiên. Việc trồng cây giúp duy trì mật độ cây xanh, hạn chế việc phá rừng làm nương rẫy, qua đó giúp bảo vệ hệ sinh thái rừng”, ông Sáng nói.

Lá trà hoa vàng có khả năng quang hợp tốt, giúp hấp thụ CO₂ và giảm ô nhiễm không khí. Cây trà hoa vàng giữ ẩm cho rừng, giúp giảm nhiệt độ môi trường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái rừng.

Hệ rễ của cây trà hoa vàng giúp cố định đất, hạn chế tình trạng xói mòn, đặc biệt là ở các khu vực đồi núi.

Khi trồng trà hoa vàng theo phương pháp trồng xen canh dưới tán rừng tự nhiên, cây không ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà còn tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật.

Theo ông Sáng, cây trà hoa vàng có giá trị kinh tế lớn, giúp người dân kiếm thu nhập từ rừng mà không cần khai thác gỗ hoặc đốt rừng làm nông nghiệp. Tuy nhiên việc trồng trà hoa vàng cần phải có quy hoạch, trồng xen kẽ với cây rừng, tránh trồng đơn canh để không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Tuyệt đối không được phá rừng để trồng trà hoa vàng.

Nếu cây trà hoa vàng được trồng đúng cách có thể giúp bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững, mang lại kinh tế cho người dân.


Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam có loại cây trà quý hiếm: "Thần dược" ra sao mà người Trung Quốc lùng mua cả cây, hoa, lá?" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).