Nâng cao giá trị và chiến lược phát triển bền vững ngành thủy sản

Admin

10/01/2025 05:30

Để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 16 tỷ USD vào năm 2030, ngành thủy sản Việt Nam cần giữ vững thị phần, gia tăng giá trị chế biến song song với phát triển mô hình tăng trưởng mới phù hợp.

Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam ghi nhận những kết quả khả quan, đặc biệt là tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 62,5 tỷ USD - mức cao kỷ lục. Trong đó, xuất khẩu thủy sản đã quay lại mốc đạt trên 10 tỷ USD - không chỉ đóng góp vào kim ngạch chung của ngành nông nghiệp Việt Nam mà còn tạo dấu ấn trong bối cảnh khó khăn toàn cầu.

Hướng tới mục tiêu 16 tỷ USD

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: "Năm 2024, nhiều khó khăn và thách thức từ tác động của lạm phát, chi phí sản xuất gia tăng, nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu khan hiếm, cạnh tranh quốc tế, biến đổi khí hậu - ngành thủy sản Việt Nam với nhiều nỗ lực đã đạt được kết quả xuất khẩu khích lệ".

Nâng cao giá trị và chiến lược phát triển bền vững ngành thủy sản- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Tuy nhiên, ông Nam cũng lưu ý, mặc dù kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2024 là ấn tượng, ngành thủy sản Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng và bất định.

Một trong những vấn đề nổi bật mà cần xem xét đó là 5-6 năm qua, kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ cầm chừng 8-10 tỷ USD/năm – ngoại trừ 2022, trong khi chiến lược phát triển ngành đến 2030 (ban hành theo Quyết định 339 ngày 11/3/2021) với mục tiêu mong muốn là 14-16 tỷ USD/2030. Tức là phải giữ được tốc độ tăng trưởng 2 con số (10-15%/năm).

Theo ông Nam xuất khẩu thủy sản dường như cần có động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh thế giới quá nhiều bất định, thay đổi nhanh trong kỷ nguyên số. Dự báo tăng trưởng tiêu thụ thủy sản toàn cầu chỉ đạt mức 5-6%/năm trong khi ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong thời gian tới.

"Để đạt được mục tiêu này, ngành không chỉ cố gắng giữ vững thị phần, tăng hàm lượng chế biến giá trị gia tăng mà ngành cần nghiên cứu để có một mô hình tăng trưởng mới phù hợp", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định: "Chiến lược thủy sản Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định 339. Để triển khai chiến lược này, có 12 đề án đã và đang triển khai rất quyết liệt, tích cực. Trong bối cảnh rất khó khăn, xuất khẩu thủy sản vẫn cán đích 10 tỷ USD, thậm chí nếu công bố vào ngày 6/1 là trên 10 tỷ USD. Đây là một nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp".

Với đà tăng trưởng hiện tại, cùng với sự hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ, các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường. Đặc biệt, tập trung nâng cao trình độ chế biến sâu, đây là cơ sở để xuất khẩu thủy sản Việt Nam đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025 khi tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD.

Hướng đi bền vững của ngành thủy sản

Một trong những điểm sáng trong năm 2024 là sự phục hồi và phát triển của ngành thủy sản, đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và Đề án chuyển đổi nghề.

Theo Cục Thủy sản, sau hơn 3 năm triển khai chiến lược, chính quyền các cấp và các thành phần kinh tế đã triển khai các mô hình chuyển đổi sinh kế tại các cộng đồng ngư dân ven biển, theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Một số mô hình chuyển đổi nghề đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng ngư dân và các thành phần kinh tế xã hội tại các địa phương như Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định...

Nâng cao giá trị và chiến lược phát triển bền vững ngành thủy sản- Ảnh 2.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 16 tỷ USD vào năm 2030, ngành thủy sản Việt Nam cần giữ vững thị phần, gia tăng giá trị chế biến song song với phát triển mô hình tăng trưởng mới phù hợp.

Về nuôi trồng thủy sản trên biển, ngành này đã bước đầu thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều công nghệ mới, hiện đại đã được ứng dụng, như công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín và công nghệ nuôi lồng công nghiệp.

Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật như thẻ vàng EC, và những yêu sách chủ quyền trên biển Đông.

Để thúc đẩy hiệu quả khai thác và nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới, Cục Thủy sản đề xuất cần giảm đội tàu khai thác ven bờ, phát triển hạ tầng nuôi biển đồng bộ, đào tạo lao động lành nghề và bảo tồn biển.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh cần có một sự thay đổi tư duy trong việc nuôi các loài thủy sản có tiềm năng như cá rô phi, lươn, và cá nước lạnh để giảm áp lực lên các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra.

Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, thách thức và cơ hội cho ngành thủy sản Việt

"Mỗi địa phương sẽ có cách làm riêng và mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để người dân được hưởng lợi, không phải rời bỏ quê hương. Hiện, đã có một số mô hình hay, hiệu quả nhưng để nhân rộng cần có sự chung tay của lãnh đạo địa phương cũng như cộng đồng để xây dựng những ngôi làng ven biển thực sự trở thành nơi đáng sống", ông Luân nhấn mạnh.

Một ví dụ điển hình là tỉnh Bạc Liêu, nơi ứng dụng mô hình tôm - lúa, mang lại hiệu quả kép về năng suất và thu nhập cho người dân. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã tăng trưởng hơn 7%, với xuất khẩu thủy sản đạt 1,2 tỷ USD, trong đó tôm chiếm 1,13 tỷ USD.

Xuyên suốt trong năm 2024, tỉnh xác định trọng tâm phát triển là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất tôm - lúa gắn liền kinh tế biển và đảm bảo an ninh vùng biển.

"Sản xuất tôm - lúa đã giúp tỉnh đạt mục tiêu, năng suất 'kép', đời sống người dân cũng khá lên. Hiện nay, với tổng diện tích tôm - lúa đã vượt hơn 43.000ha, tỉnh đánh giá mô hình này rất hiệu quả. Giai đoạn tới, tỉnh phấn đấu tăng diện tích sản xuất tôm - lúa lên 70.000ha", ông Thiều khẳng định.

Bên cạnh đó, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho ra tăng suất cao gấp 15 lần. Tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 2 khu nuôi tôm an toàn sinh học, có 5 tổ chức địa phương được chứng nhận nuôi tôm hữu cơ.

Bạn đang đọc bài viết "Nâng cao giá trị và chiến lược phát triển bền vững ngành thủy sản" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).