Metro TP.HCM - Cần Giờ mà Vingroup muốn đầu tư 4 tỷ USD: 49km đi hết 16 phút, chở 40.000 khách/1 giờ

Admin

23/04/2025 17:30

Đây là những con số đầy tiềm năng của tuyến metro mới ở TP.HCM mà Vingroup đề xuất đầu tư.

Metro TP.HCM - Cần Giờ có thể có tốc độ đến 250km/h

Tại lễ khởi công khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, Tập đoàn Vingroup đã tiết lộ thông tin đáng chú ý: tuyến đường sắt đô thị nối liền trung tâm thành phố với vùng biển Cần Giờ sẽ chỉ mất 16 phút di chuyển.

Metro TP.HCM - Cần Giờ mà Vingroup muốn đầu tư 4 tỷ USD: 49km đi hết 16 phút, chở 40.000 khách/1 giờ- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Ảnh: VGP/Thu Sa

Theo thông tin từ Tập đoàn Vingroup – đơn vị phát triển dự án, tuyến đường sắt này có tổng chiều dài 48,5 km, xuất phát từ khu vực đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), đi qua trục Nguyễn Lương Bằng – Rừng Sác và kết thúc tại khu đất 39ha liền kề khu đô thị mới ở huyện Cần Giờ.

Tuyến đường sắt được thiết kế trên cao, sử dụng khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, có hai đường ray riêng biệt, cho phép tàu vận hành ở tốc độ tối đa lên đến 250 km/h.

Với khả năng chuyên chở lên tới 40.000 hành khách mỗi giờ theo mỗi chiều, tuyến đường sắt hứa hẹn sẽ không chỉ là cú hích lớn cho giao thông đô thị mà còn là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển du lịch và bất động sản tại Cần Giờ – khu vực đang được định vị là “đô thị biển mới” của TP.HCM.

Tổng vốn đầu tư cho công trình hạ tầng hiện đại này dự kiến lên đến 102.370 tỷ đồng (khoảng 4,09 tỷ USD), được tài trợ từ nguồn vốn của Vingroup cùng các nguồn huy động hợp pháp khác.

Metro TP.HCM - Cần Giờ mà Vingroup muốn đầu tư 4 tỷ USD: 49km đi hết 16 phút, chở 40.000 khách/1 giờ- Ảnh 2.

Vingroup đã đề xuất điểm đầu tuyến đường sắt tại đại lộ Nguyễn Văn Linh (phường Tân Phú, quận 7). Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Dự án không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho giao thông đô thị tốc độ cao tại Việt Nam, kết nối mạnh mẽ giữa trung tâm thành phố với vùng biển phía nam đang lên.

Giới chuyên gia nhận định, nếu được triển khai đúng tiến độ, đây sẽ là một trong những tuyến đường sắt đô thị mang tính biểu tượng của TP.HCM, tạo bước đột phá cho hạ tầng kết nối, đồng thời nâng tầm khu đô thị lấn biển Cần Giờ trở thành điểm đến chiến lược về du lịch, sinh thái và kinh tế biển.

Trong văn bản mới nhất gửi Sở Tài chính TP.HCM báo cáo một số nội dung về dự án đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm với huyện Cần Giờ, Tập đoàn Vingroup đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Theo đó, Vingroup sẽ chịu trách nhiệm thu xếp toàn bộ vốn để thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành trong suốt thời hạn của dự án trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tập đoàn này mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng cũng như để góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông của thành phố.

Đề xuất cho metro TP.HCM - Cần Giờ hưởng chính sách đặc thù từ Quốc hội

UBND TP.HCM cũng vừa gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư tuyến tàu điện nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ.

Theo UBND TP.HCM, hiện thành phố đang phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư để xúc tiến các bước chuẩn bị cho dự án. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn là tuyến metro TP.HCM – Cần Giờ vẫn chưa nằm trong danh mục các dự án metro được hưởng các chính sách đặc thù, theo Nghị quyết 188/2025 của Quốc hội.

Metro TP.HCM - Cần Giờ mà Vingroup muốn đầu tư 4 tỷ USD: 49km đi hết 16 phút, chở 40.000 khách/1 giờ- Ảnh 3.

Bản đồ hướng tuyến dự kiến do Vingroup đề xuất. Đồ họa: Thiên Sơn

Nghị quyết 188 được ban hành nhằm tạo điều kiện phát triển mạng lưới metro cho Hà Nội và TP.HCM, hiện chưa cập nhật tuyến metro TP.HCM – Cần Giờ trong danh mục dự án ưu tiên. Dù vậy, một điều khoản trong nghị quyết vẫn để ngỏ khả năng điều chỉnh, cho phép Chính phủ quyết định bổ sung các dự án mới dựa trên đề xuất từ UBND TP.HCM.

Để tháo gỡ vướng mắc và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về đẩy nhanh tiến độ, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung tuyến metro kết nối trung tâm thành phố với Cần Giờ vào danh mục dự án thuộc Nghị quyết 188/2025/QH15. Việc này sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để dự án được hưởng các cơ chế đặc thù, từ đó đẩy nhanh quá trình triển khai thực tế.

Metro TP.HCM - Cần Giờ mà Vingroup muốn đầu tư 4 tỷ USD: 49km đi hết 16 phút, chở 40.000 khách/1 giờ- Ảnh 4.

Tuyến metro đi qua khu vực Khu đô thị lấn biển Cần Giờ trong tương lai. Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Dự kiến, UBND TP.HCM sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo đề xuất lên Chính phủ trong thời gian tới. Nếu được thông qua, tuyến metro TP.HCM – Cần Giờ không chỉ rút ngắn khoảng cách, tạo thuận lợi lớn cho người dân và du khách mà còn góp phần phát triển kinh tế, du lịch và tăng tính liên kết vùng cho khu vực phía Nam thành phố.

Đây được xem là bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm của TP.HCM trong việc hiện đại hóa hạ tầng giao thông, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.


Bạn đang đọc bài viết "Metro TP.HCM - Cần Giờ mà Vingroup muốn đầu tư 4 tỷ USD: 49km đi hết 16 phút, chở 40.000 khách/1 giờ" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).