Hành lang pháp lý và cơ chế đầu tư hấp dẫn sẽ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Admin

11/05/2023 07:08

Chiều 10.5, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Câu lạc bộ Luật sư Thương mại quốc tế Việt Nam (VBLC), Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tổ chức Hội thảo Quản lý rủi ro pháp lý và tranh chấp trong các dự án năng lượng trọng điểm - hướng tới mục tiêu năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc cho biết, trong những năm gần đây, các tranh chấp liên quan đến dự án năng lượng cũng tăng dần lên với nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ việc đáp ứng yêu cầu về môi trường sau khi Việt Nam thực hiện những cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP 26).

Các tranh chấp có thể phát sinh ở cả giai đoạn xây dựng và giai đoạn vận hành, với tính chất ngày càng phức tạp, trị giá lớn, thời gian tranh chấp kéo dài, gây ra những thiệt hại đáng kể cho các bên trong dự án. Không những vậy, vì là các dự án lớn, các tranh chấp có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng dân cư và rộng hơn là ảnh hưởng đến tính ổn định, bền vững của năng lượng chung quốc gia.

Các chuyên gia cũng nhận định, hầu hết các tranh chấp liên quan đến dự án năng lượng đều có yếu tố nước ngoài, chính bởi vậy, tính quốc tế trong thủ tục là yêu cầu luôn được đặt ra và là một trong những điểm mà doanh nghiệp cân nhắc khi lựa chọn phương thức giải quyết. Vốn là phương thức được du nhập từ quốc tế, trọng tài thương mại có thể nói là một trong những phương thức có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về tính quốc tế, nhanh chóng, hiệu quả. Phương thức này đã, đang và sẽ tiếp tục được áp dụng trong tương lai để giải quyết các tranh chấp phức tạp như tranh chấp về dự án năng lượng.

Hành lang pháp lý và cơ chế đầu tư hấp dẫn sẽ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo -0

Quanh cảnh hội thảo

Theo Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Châu Việt Bắc, từ năm 2013 - 2022, VIAC đã tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp các dự án năng lượng, có tổng trị giá tranh chấp hơn 300 triệu USD. Thời gian trung bình để giải quyết các vụ tranh chấp là hơn 7 tháng. Gần đây tại TP. Hồ Chí Minh, VIAC ghi nhận có nhiều tranh chấp trong các dự án điện tái tạo.

Nêu quan điểm về vấn đề pháp luật liên quan đến thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Vũ Thị Châu Quỳnh cho biết, các dự án năng lượng đều là những dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện dài, nhiều bên tham gia… Vì vậy thường tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn các dự án đầu tư ở những lĩnh vực khác.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến các rủi ro nói trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Vũ Thị Châu Quỳnh cho rằng, hiện nay vẫn thiếu sự kết nối giữa các văn bản pháp luật, giữa các ngành luật. Chậm trễ trong việc thực hiện thủ tục hành chính có liên quan… Mặt khác, còn có nguyên nhân đến từ phía nhà đầu tư là do họ không nắm được quy định, không thực hiện thủ tục…

Do đó, khi thực hiện dự án đầu tư thì nhà đầu tư phải đối chiếu với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch của các tỉnh, thành phố, bên cạnh đó, cũng cần phải đối chiếu với Quy hoạch ngành là Quy hoạch Điện VIII… Tiếp đó, các nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai vì khi triển khai dự án thì đương nhiên cần có diện tích đất cần thiết. Các nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến việc giao đất, cho thuê đất, mục đích sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…”, bà Châu Quỳnh khuyến nghị.

Theo bà Châu Quỳnh, giải pháp để hạn chế những rủi ro trên là thận trọng trong đàm phán các thỏa thuận mua bán điện. Doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần tham gia một cách chủ động vào quá trình xây dựng pháp luật…

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng khuyến nghị, để đạt được hiệu quả, doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng về các thủ tục áp dụng; cần thiết, có thể xem xét yếu tố hỗ trợ của luật sư trong quá trình giải quyết tranh chấp. Mặt khác, về mặt pháp luật trong nước cũng cần tiếp cận một cách tổng thể, đa ngành, bảo đảm tính liên thông kết nối trong xây dựng các văn bản pháp luật. Sớm hoàn thiện khung pháp lý về phát triển năng lượng tái tạo…

Hải An

Bạn đang đọc bài viết "Hành lang pháp lý và cơ chế đầu tư hấp dẫn sẽ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0359 276 785 hoặc gửi về địa chỉ email ([email protected]).