Hầm xuyên núi gần 4.000 tỷ dài thứ 3 Việt Nam, 100% do kỹ sư người Việt xây dựng sắp được 'lên đời'?

Admin

30/03/2025 12:30

Hầm này được đề xuất 1.300 tỷ đồng để mở rộng.

Hầm Cù Mông sẽ quá tải khai thác trong tương lai gần

Ban Quản lý dự án 85 vừa có tờ trình gửi Bộ Xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hầm Cù Mông và đường dẫn hai đầu hầm thuộc tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh có hướng tuyến đi qua hầm Cù Mông. Theo kế hoạch đoạn tuyến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trên toàn tuyến với quy mô giai đoạn phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền là 17,5m; hướng tuyến dự án Quy Nhơn-Chí Thạnh ngắt quãng, kết nối trực tiếp với hầm Cù Mông (từ Km19+800 đến Km24+900), trong đó hầm Cù Mông dài 2,6km hiện đang được khai thác với quy mô 2 làn xe.

Ban QLDA 85 đánh giá, vị trí tuyến cao tốc đoạn qua hầm Cù Mông là một trong những điểm thắt của toàn tuyến cao tốc, ảnh hưởng đến khả năng khai thác, năng lực vận hành và hiệu quả của tuyến đường bộ cao tốc phía Đông.

Theo số liệu khảo sát của Tư vấn lập dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, dự báo lưu lượng xe trên luồng tuyến Quốc lộ 1 (bao gồm cả cao tốc) đến năm 2025 vào khoảng 25.000-27.000 xe/ngày đêm. Với lưu lượng này sẽ dẫn tới khả năng mãn tải khai thác đối với quy mô 2 làn xe qua khu vực hầm Cù Mông.

Hầm xuyên núi gần 4.000 tỷ dài thứ 3 Việt Nam, 100% do kỹ sư người Việt xây dựng sắp được 'lên đời'?- Ảnh 1.

Dự án hầm Cù Mông có điểm đầu tiếp giáp gói thầu 11-XL thuộc Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh tại Km19+800. Điểm cuối tiếp giáp gói thầu 12-XL của Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh tại Km24+900 - Ảnh: Đèo Cả

 

Đề xuất 1.300 tỷ đồng để mở rộng hầm Cù Mông

Dự án hầm Cù Mông có điểm đầu tiếp giáp gói thầu 11-XL thuộc Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh tại Km19+800. Điểm cuối tiếp giáp gói thầu 12-XL của Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh tại Km24+900.

Đề cập đến phương án đầu tư hầm Cù Mông trong giai đoạn hiện nay, Ban Quản lý dự án 85 cho rằng hầm Cù Mông hiện tại đã xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh (không có phần mặt đường bê tông xi măng và các trang thiết bị điện, chiếu sáng, thông gió,....) sẽ được tiếp tục đầu tư hoàn thiện.

Trong giai đoạn hoàn thiện theo quy mô quy hoạch của tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, Ban Quản lý dự án 85 đề xuất giải pháp thiết kế hầm Cù Mông theo phương án xây dựng thêm một ống hầm về phía trái của 2 ống hầm hiện trạng, khai thác ống hầm mới quy mô 3 làn xe với bề rộng mỗi làn xe chạy 3,5m với vận tốc thiết kế 80km/h. 

Hầm xuyên núi gần 4.000 tỷ dài thứ 3 Việt Nam, 100% do kỹ sư người Việt xây dựng sắp được 'lên đời'?- Ảnh 2.

Bên trong đường bộ xuyên đèo Cù Mông. Ảnh: Nhịp sống Thị trường

Với 2 ống hầm hiện trạng, khai thác mỗi ống hầm 2 làn xe. Phương án này có thuận lợi khi chi phí xây dựng thấp, hạn chế mở rộng chiếm dụng mặt bằng.

Ban Quản lý dự án 85 đã rà soát và dự tính sơ bộ chi phí tổng mức đầu tư hầm Cù Mông và đường dẫn hai đầu hầm là 1.299,7 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công để thực hiện dự án.

Ban Quản lý dự án 85 cũng đưa ra dự kiến trình, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hoàn thành trong tháng 4/2025; thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư hoàn thành quý 3/2025; thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bảo vệ thi công, lựa chọn nhà thầu thi công hoàn thành trong quý 4/2025; thời gian thi công công trình và đưa vào khai thác quý 1/2027.

Việc mở rộng hầm Cù Mông sẽ giúp khai thác tối đa hiệu suất của hệ thống giao thông trong khu vực, giảm tải cho Quốc lộ 1, tăng cường kết nối giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp và cảng biển, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho Bình Định, Phú Yên và các vùng lân cận. 

 Hầm Cù Mông dài thứ 3 Việt Nam 100% do kỹ sư người Việt xây dựng 

Dự án đường bộ xuyên đèo Cù Mông, với tổng chiều dài hơn 6,6 km, trong đó phần hầm dài gần 3 km, đã chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động vào cuối tháng 1/2019, sau hơn 3 năm thi công. Công trình có tổng mức đầu tư lên tới 3.921 tỷ đồng, thiết kế vận tốc 80 km/giờ, và được đánh giá là dự án phức tạp nhất từ trước đến nay tại khu vực Nam Trung Bộ.

Dự án được thực hiện bởi các doanh nghiệp và nhà thầu trong nước, áp dụng nền tảng công nghệ và kỹ thuật hiện đại của thế giới. Khu vực thi công đèo Cù Mông vốn phức tạp, với các đặc điểm địa chất khó khăn. Để đảm bảo an toàn và tránh những khu vực có đứt gãy địa chất lớn, các chuyên gia và kỹ sư đã phải thi công theo hướng vòng cung để giảm thiểu hiện tượng sụt trượt đất đá. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ và phòng cháy chữa cháy luôn túc trực 24/24 để bảo đảm an toàn cho công trình.

Hầm xuyên núi gần 4.000 tỷ dài thứ 3 Việt Nam, 100% do kỹ sư người Việt xây dựng sắp được 'lên đời'?- Ảnh 3.

Đèo Cù Mông nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhịp sống Thị trường

Giai đoạn thi công gặp nhiều khó khăn nhất là đào thông hai đầu hầm, mất tới 18 tháng. Trong suốt quá trình này, chủ đầu tư đã tận dụng khoảng 30% lượng vật liệu đất đá từ việc đào để làm vỏ hầm và nền đường. Nhờ vào kinh nghiệm từ dự án xây dựng hầm Đèo Cả, tốc độ thi công đã được cải thiện gấp đôi, đạt 12 mét vỏ hầm/ngày.

Sự sáng tạo và nhanh nhạy của các kỹ sư, công nhân Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào thành công của dự án, với các biện pháp kỹ thuật mới giúp nâng cao năng suất và hiệu quả lao động.

Sau lễ khánh thành, hầm đường bộ Cù Mông trở thành hầm thứ ba dài nhất ở Việt Nam, chỉ xếp sau hầm Hải Vân (dài hơn 6,28 km, khánh thành tháng 6/2005) và hầm Đèo Cả (dài hơn 4 km, thông xe vào tháng 7/2017). Công trình này không chỉ giúp giảm thiểu nguy hiểm khi di chuyển qua đèo mà còn rút ngắn thời gian di chuyển, từ 30 phút xuống chỉ còn 6 phút.


Bạn đang đọc bài viết "Hầm xuyên núi gần 4.000 tỷ dài thứ 3 Việt Nam, 100% do kỹ sư người Việt xây dựng sắp được 'lên đời'?" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).