Sáng ngày 12-12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP Hà Nội. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.
Theo đó, Nghị quyết đặt ra lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2025-2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; Khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp. Giai đoạn từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn thành phố có một trong các tiêu chí quy định về vùng phát thải thấp (quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị quyết) này phải thực hiện vùng phát thải thấp.
Nghị quyết cũng đặt ra một biện pháp phải áp dụng trong vùng phát thải thấp. Theo đó, khu vực này chỉ cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Khu vực này cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp. Hạn chế hoặc cấm xe ôtô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe môtô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/ thời điểm hoặc khu vực.
Nghị quyết cũng yêu cầu chính quyền khu vực phát thải thấp đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Cùng với đó, đề xuất chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải. Đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp; các biện pháp khác phù hợp với đặc thù của địa phương.
Nghị quyết cũng nêu rõ có 4 mức tiêu chuẩn khí thải (gồm: Mức 1, Mức 2, Mức 3, Mức 4) là giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm và khói trong khí thải của phương tiện giao thông đường bộ quy định tại TCVN 6438:2018 và sửa đổi 01:2021 TCVN 6438:2018 - Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải.
Trước đó, trình bày tờ trình, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam, cho biết việc ban hành Nghị quyết nhằm thực hiện điểm a khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô quy định về vùng phát thải thấp để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Theo ông Nam, hiện nay Hà Nội đang phải đối mặt với các thách thức trong công tác quản lý và bảo vệ chất lượng môi trường không khí do nồng độ bụi mịn ngày càng gia tăng, chất lượng không khí ngày càng suy giảm, gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân. Nguồn gây ô nhiễm không khí tại chỗ của Hà Nội chủ yếu do bụi đường và các phương tiện giao thông đường bộ, chiếm khoảng 58-74% tùy từng thời điểm. Trong nguồn phát thải từ phương tiện giao thông thì xe máy chiếm nhiều nhất, tiếp đến là taxi.
Dẫn số liệu của Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, ông Nam cho biết tính đến tháng 8-2024, thành phố có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó: gần 1,13 triệu ôtô, và hơn 6,9 triệu xe máy. "Đặc biệt số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58% sẽ làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất"- ông Nam nêu rõ.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng dẫn kinh nghiệm của các nước về lập khu vực phát thải thấp để loại bỏ các phương tiện giao thông gây ô nhiễm khí thải, đẩy mạnh sử dụng các phương tiện sử dụng năng lượng mới, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải. Từ đó, tiến tới khoanh vùng cấm sử dụng phương tiện giao thông phát thải cao, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt...