Điện mặt trời mái nhà "sốt" trở lại

Admin

14/04/2025 08:14

Nhiều hộ gia đình đang tìm hiểu thị trường điện mặt trời mái nhà và có kế hoạch lắp đặt để sử dụng năng lượng sạch cả ngày lẫn đêm

Mức đầu tư điện mặt trời mái nhà đã rẻ hơn trước rất nhiều trong khi chi phí tiền điện có xu hướng tăng cao vào các tháng cao điểm nắng nóng nên nhu cầu lắp hệ thống này tại các hộ gia đình "sốt" trở lại.

Lắp hệ hybrid có nhiều ưu điểm

Gia đình chị Đỗ Ngọc Thảo (quận 5, TP HCM) vừa bàn bạc xem có nên vay tiền ngân hàng để lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà trong thời điểm này không. Theo khảo sát của chị, hiện có rất nhiều công ty đang bán bộ giải pháp trọn gói, bao gồm tấm pin, bộ lưu trữ và các loại vật tư, thiết bị đi kèm.

"Em trai tôi muốn vay ngân hàng 200 triệu đồng, trả trong vòng 5 năm để lắp điện mặt trời và bộ lưu trữ. Các công ty tư vấn khá nhiệt tình nhưng gia đình vẫn cân nhắc liệu đầu tư có thật sự hiệu quả?" - chị Thảo băn khoăn.

Anh Huỳnh Thanh Mẫn (huyện Bình Chánh, TP HCM) cũng muốn lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để tiết kiệm tiền điện. Tháng 3-2024, khi chưa bước vào cao điểm nắng nóng mà tiền điện của gia đình anh đã tăng gấp 2 lần so với tháng trước đó, lên đến gần 4 triệu đồng. Với xu hướng thời tiết ngày càng cực đoan, nắng nóng gay gắt, dự kiến tiền điện tháng 4 này sẽ tăng tiếp.

Ông Thái Hoàng Phong, kỹ sư trưởng điện mặt trời của Công ty CP Kitawa, cho biết thời gian gần đây, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời tại TP HCM tăng mạnh do người dân ngày càng nhận thấy rõ hiệu quả tiết kiệm. Nhiều hộ gia đình không chỉ đầu tư hệ thống mới mà còn mở rộng công suất nhằm khai thác tối đa lợi ích từ nguồn năng lượng này.

Theo ông Phong, một tấm pin năng lượng mặt trời công suất 600 WP hiện có giá 1,9 - 2,5 triệu đồng. Với diện tích nhà khoảng 50 - 60 m², người dân có thể lắp hệ thống công suất 8 - 10 KWP, chi phí khoảng 100 triệu đồng (đã bao gồm công lắp đặt và chưa tính chi phí lắp giàn sắt). Để sử dụng điện vào ban đêm, bắt buộc phải đầu tư thêm hệ thống lưu trữ (pin tích điện) với giá 25 - 30 triệu đồng/bộ 5 KWP.

"Nếu lắp đặt đúng cách, hộ gia đình có thể tiết kiệm 65% - 80% chi phí điện mỗi tháng, tùy thói quen sử dụng. Sử dụng nhiều điện vào ban ngày - như hộ kinh doanh, văn phòng tại gia - thì sẽ thấy hiệu quả rõ rệt. Còn trường hợp chủ yếu dùng điện vào ban đêm mà không đầu tư hệ lưu trữ thì hiệu quả tiết kiệm sẽ giảm đáng kể" - ông Phong giải thích.

Đại diện cửa hàng Việt Nhật Energy (chuyên cung cấp pin năng lượng mặt trời) tư vấn: Với diện tích lắp đặt 40 m², cần khoảng 9 tấm pin, công suất 595 WP/tấm, tương đương hệ thống điện mặt trời tối đa 5 KWP. Với hình thức lắp hòa lưới bán tải, chi phí khoảng 8,5 triệu đồng/KWP, tức khoảng 45 triệu đồng/hệ 5 KWP. Nếu muốn tích trữ điện, người sử dụng cần chuyển sang hệ hybrid (hệ thống kết hợp tấm pin năng lượng mặt trời với bộ lưu trữ) với chi phí cao hơn - lên đến 15 triệu đồng/KWP, tức gần 80 triệu đồng/hệ 5 KWP lưu trữ.

"Nếu dùng 700 - 800 KWh điện/tháng thì cần 3 bộ pin lưu trữ tương đương 20 KWh, giá 18 triệu đồng/bộ, kéo theo đội chi phí lắp đặt lên khá cao. Tuy nhiên, lợi ích của hệ hybrid là trong trường hợp mất điện lưới, hệ thống vẫn duy trì cấp điện cho các thiết bị thiết yếu giống như máy phát điện" - đại diện cửa hàng Việt Nhật Energy phân tích.

Nhiều hộ gia đình lắp điện mặt trời mái nhà để giảm chi phí điện sinh hoạt hằng thángẢnh: Phương An

Nhiều hộ gia đình lắp điện mặt trời mái nhà để giảm chi phí điện sinh hoạt hằng thángẢnh: Phương An

Nhiều lựa chọn

Sau tọa đàm "Năng lượng sạch và giải pháp tiết kiệm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp" do Báo Người Lao Động phối hợp Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) tổ chức ngày 10-4, Ban Tổ chức nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc. Trong đó, câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất là: Tiền điện hằng tháng ở mức nào thì nên lắp điện mặt trời mái nhà?

Ông Lưu Mạnh Thức, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC, cho rằng chỉ số điện tiêu thụ hằng tháng của hộ gia đình là cơ sở chính để cân nhắc có nên lắp điện mặt trời mái nhà không. Thông thường một gia đình ở TP HCM tốn 1,2 - 1,5 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, nếu có tủ lạnh và có người ở nhà. Phương án tối ưu là có thể lắp thiết bị điện mặt trời để tạo ra 600 - 720 KWh/tháng, giúp giảm được hơn 1 triệu đồng tiền điện, thời gian thu hồi vốn từ 4 - 5 năm.

Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, những gia đình sử dụng điện bậc 5 trở lên (trên 300 KWh/tháng, giá điện bậc 5 là 3.917 đồng/KWh) thì nên cân nhắc lắp điện mặt trời mái nhà. Công suất lắp đặt phù hợp với công suất và sản lượng điện tiêu thụ điện hằng tháng của hộ dân. Ví dụ, mỗi ngày dùng khoảng 20 KWh thì nên lắp khoảng 4 KWP điện mặt trời, bình quân phát điện khoảng 12 - 18 KWh. Những hộ ít dùng điện ban ngày mà chỉ tập trung dùng vào buổi tối thì nên lắp thêm bộ lưu trữ.

Nhu cầu và tiềm năng điện mặt trời mái nhà tại TP HCM rất lớn. Nếu như trước năm 2021, EVNHCMC ghi nhận toành thành phố có 14.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 350 MWP thì từ 2021 đến nay đã có thêm 532 hệ thống. Đây chủ yếu là các công trình điện mặt trời mái nhà doanh nghiệp, còn các hệ thống điện mặt trời mái nhà của các hộ gia đình thì chưa được ghi nhận.

Về quy định, ông Kiên cho biết hộ gia đình có sản lượng mặt trời mái nhà dư thừa có thể bán lại cho ngành điện tối đa 20% sản lượng hằng tháng. Thủ tục và điều kiện hỗ trợ dành cho hộ gia đình đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu hiện nay rất thuận lợi. Vấn đề còn lại là các hộ gia đình cân nhắc quyết định đầu tư dựa trên nhu cầu sử dụng, hiện trạng mái nhà, khả năng tài chính... 

Sôi động mua bán hệ thống điện mặt trời cũ

Trên các hội nhóm Facebook, thị trường mua bán, thanh lý hệ thống điện mặt trời cũ cũng khá sôi động. Nhiều người rao bán hệ thống đã qua sử dụng với giá rẻ hơn 30% - 40% so với thiết bị mới, bao gồm cả phí lắp đặt. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo người dân nên cẩn trọng khi mua hàng điện tử cũ trên mạng để tránh rủi ro về chất lượng, mua phải thiết bị không chính hãng hoặc mất an toàn khi vận hành.

Theo các doanh nghiệp, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cụ thể cho pin năng lượng mặt trời. Tuổi thọ của tấm pin mặt trời thường đạt khoảng 30 năm, trong khi pin lưu trữ có thời gian sử dụng trung bình 10 năm. Hiện nay, phần lớn các thiết bị này trên thị trường đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nên cần có biện pháp bảo đảm an toàn.

"Do chất lượng các loại pin mặt trời mái nhà tái chế không bảo đảm nên đã xảy ra không ít vụ cháy nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, thậm chí đe dọa tính mạng người sử dụng" - ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng Alena, cảnh báo.


Bạn đang đọc bài viết "Điện mặt trời mái nhà "sốt" trở lại" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).