Việt Nam - Trung Quốc thống nhất thành lập Uỷ ban hợp tác đường sắt

Admin

15/04/2025 18:00

Ủy ban này sẽ giúp thúc đẩy lĩnh vực hợp tác quan trọng của Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam - Trung Quốc thống nhất thành lập Uỷ ban hợp tác đường sắt- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Đó là Ủy ban hợp tác đường sắt giữa hai Chính phủ để thúc đẩy hợp tác đường sắt.

Chiều qua (14/4), tại Trụ sở Trung ương Đảng, ngay sau lễ đón chính thức, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiến hành hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí cho rằng quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua có nhiều bước phát triển vượt bậc, theo phương hướng "6 hơn".

Việt Nam - Trung Quốc thống nhất thành lập Uỷ ban hợp tác đường sắt- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Hai nước nhất trí duy trì giao lưu cấp cao thường xuyên, nâng cấp cơ chế Đối thoại chiến lược giữa các Bộ Ngoại giao - Quốc phòng - Công an lên cấp Bộ trưởng. Đặc biệt, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, thành lập Ủy ban hợp tác đường sắt giữa hai Chính phủ để thúc đẩy hợp tác đường sắt. Ngoài ra, hai bên thống nhất tổ chức tốt các hoạt động của "Năm giao lưu nhân văn Trung Quốc - Việt Nam 2025", củng cố nền tảng xã hội; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; kiểm soát và giải quyết thỏa đáng bất đồng.

Việt Nam - Trung Quốc thống nhất thành lập Uỷ ban hợp tác đường sắt- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai nước thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông chiến lược, dành những ưu đãi tốt nhất về vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, nỗ lực cao nhất trong triển khai để bảo đảm tiến độ dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: VGP

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai bên trước tiên duy trì thường xuyên trao đổi chiến lược, tăng cường hợp tác hai Đảng và trong các lĩnh vực trọng yếu, thường xuyên là ngoại giao, quốc phòng, an ninh. Thứ hai, thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông chiến lược, dành những ưu đãi tốt nhất về vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, nỗ lực cao nhất trong triển khai để bảo đảm tiến độ dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số, khoa học - công nghệ trở thành "điểm sáng" mới trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ then chốt. Ngoài ra, thúc đẩy thương mại cân bằng hơn, đầu tư chất lượng cao hơn, chú trọng triển khai ở Việt Nam các dự án, công trình lớn, tiêu biểu, hỗ trợ Hà Nội và các đô thị lớn giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí.

Tại hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị hai bên kiên trì làm sâu sắc hơn tin cậy chiến lược, đi sâu trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước, thực hiện tốt hợp tác kết nối giữa Sáng kiến "Vành đai và Con đường" với Khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai".

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng hoan nghênh ngày càng nhiều hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, khuyến khích càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư, tăng cường hợp tác chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao như 5G, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, chip bán dẫn, phát triển xanh và chuyển sáng tạo khoa học công nghệ thành sức sản xuất thực chất.

Sau hội đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng xem và nghe giới thiệu về 45 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước, thể hiện thành quả phong phú, toàn diện mà hai bên đạt được trong chuyến thăm lần này.

Việt Nam - Trung Quốc thống nhất thành lập Uỷ ban hợp tác đường sắt- Ảnh 4.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến trưng bày các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Ảnh: VGP

Cùng ngày 14/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Thủ tướng mong muốn hai bên nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, trong đó dành ưu tiên cao cho hợp tác đường sắt, nhất là về tín dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, sớm ký Hiệp định vay vốn ODA để kịp khởi công xây dựng tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025 và tiếp theo là các tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng…

Tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có tổng vốn đầu tư hơn 8 tỷ USD

Việt Nam - Trung Quốc thống nhất thành lập Uỷ ban hợp tác đường sắt- Ảnh 5.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ kết nối vận tải đường sắt với Trung Quốc. Ảnh minh họa

Trên thực tế, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng vốn 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,37 tỷ USD). Dự án phấn đấu cuối năm 2025 khởi công xây dựng nhà ga đầu tiên tại tỉnh Lào Cai và hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (thuộc tỉnh Lào Cai) với Trung Quốc. Điểm cuối tại ga Lạch Huyện (Hải Phòng), dài gần 391 km.

Để sớm thực hiện dự án theo kế hoạch, mới đây Bộ Xây dựng lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia, ga trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu rằng, mạng lưới đường sắt quốc gia phải đủ năng lực vận chuyển 11,8 triệu tấn hàng hóa (tức là tăng 2,3 lần so với năm 2019) và 21,5 triệu hành khách (tăng 2,7 lần).

Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được triển khai có ý nghĩa chiến lược trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc, chạy theo hành lang kinh tế Đông - Tây, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng, một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam - Trung Quốc thống nhất thành lập Uỷ ban hợp tác đường sắt" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).