Cách dùng ngân hàng trực tuyến an toàn, tránh không bị đánh cắp thông tin

Admin

25/01/2025 13:00

Để việc sử dụng các ứng dụng ngân hàng trực tuyến được an toàn, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân:

1. Hạn chế kết nối wifi công cộng khi sử dụng các ứng dụng ngân hàng trực tuyến:

Thực tế cho thấy, wifi công cộng thường không có mật khẩu bảo mật. Chính vì vậy, khi sử dụng wifi công cộng để truy cập vào ứng dụng ngân hàng trực tuyến có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng lỗ hổng này nhằm đánh cắp thông tin. Do đó, khi sử dụng các ứng dụng ngân hàng trực tuyến, tốt nhất là sử dụng dữ liệu mạng di động để đảm bảo tính an toàn.

2. Không sạc pin điện thoại tại các nơi không rõ nguồn gốc:

Hiện nay, một số người dùng có thói quen sử dụng các kết nối USB để sạc pin cho điện thoại, thiết bị di động thông minh. Đây là một thói quen tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng xấu có thể lợi dụng xâm nhập khiến điện thoại, thiết bị di động thông minh bị dính mã độc và dễ bị đánh cắp thông tin.

3. Tìm kiếm số điện thoại chăm sóc khách hàng trên trang website chính thống của các ngân hàng khi có nhu cầu liên hệ:

Trong trường hợp có các thắc mắc cần được tư vấn khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến, người dùng nên truy cập vào website chính thống của ngân hàng hoặc đến các chi nhánh ngân hàng gần nhất, tránh việc truy cập vào các trang website giả mạo, lừa đảo.

4. Chỉ cài ứng dụng ở cửa hàng Google Play hoặc App Store:

Tất cả những ứng dụng không được hỗ trợ trên cửa hàng trực tuyến Google Play hoặc App Store thường không an toàn và có chứa mã độc. Khi cài đặt, các ứng dụng không thông qua cửa hàng trực tuyến Google Play hoặc App Store, có thể sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân và cả mật khẩu của ứng dụng ngân hàng trực tuyến trên điện thoại, thiết bị di động thông minh.

5. Liên tục cập nhật hệ điều hành mới của điện thoại, thiết bị di động thông minh cũng như các phiên bản cập nhật mới nhất của ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Những phiên bản cập nhật mới sẽ giúp nâng cao được tính bảo mật thông tin.

6. Tuyệt đối không truy cập các đường link “lạ”, trang Facebook không chính thống, không tin cậy khi sử dụng điện thoại, thiết bị di động thông minh cũng như máy tính.

Việc truy cập vào các đường link nhưng không kiểm tra kỹ độ tin cậy, có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng để lấy cắp thông tin hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội đang xuất hiện nhiều trang facebook lừa đảo, không chính chủ, cung cấp thông tin không đáng tin cậy. Do đó, khi gặp các đường link “lạ”, trang facbook không chính thống, người dùng tuyệt đối không truy cập vào.

7. Không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin liên quan ứng dụng ngân hàng trực tuyến trên mạng xã hội

8. Nên sử dụng mật khẩu có tính bảo mật cao cho các ứng dụng ngân hàng trực tuyến

Khi sử dụng những mật khẩu ngắn hoặc dễ đoán, người dùng có thể bị các đối tượng xấu đánh cắp thông tin. Chính vì vậy, tuyệt đối không được đặt mật khẩu liên quan đến thông tin cá nhân hoặc thông tin của những người thân trong gia đình như họ tên, ngày sinh, năm sinh. Nếu ngân hàng có hỗ trợ bảo mật bằng vân tay, Face ID thì nên sử dụng để tăng cường bảo mật. Ngoài ra, cũng nên thay đổi mật khẩu theo định kỳ của ngân hàng, cũng như chủ động thay đổi mật khẩu.

9. Liên kết số điện thoại hoặc địa chỉ email với ngân hàng để kịp thời nhận được các thông báo cần thiết, qua đó có thể thường xuyên theo dõi, quản lý những biến động trong tài khoản ngân hàng của mình và xử lý ngay khi có sự cố phát sinh.

Bạn đang đọc bài viết "Cách dùng ngân hàng trực tuyến an toàn, tránh không bị đánh cắp thông tin" tại chuyên mục Công nghệ - Xe. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).