Cảnh báo từ "Bố già AI"
Geoffrey Hinton, nhà khoa học từng nhận giải Nobel và giải Turing danh giá, là một trong ba "Bố già AI". Công trình tiên phong của ông về mạng nơ-ron đã cách mạng hóa cách máy tính học và xử lý dữ liệu. Tuy nhiên, Hinton cũng là một trong những người lo ngại nhất về sự phát triển không kiểm soát của AI.
Theo thông tin từ ZME Science , Hinton đưa ra một nhận định lạnh lùng khi được hỏi về xác suất AI gây ra ngày tận thế: "10% đến 20%". Với ông, đây không phải là con số nhỏ và đáng bị xem nhẹ.
Hinton lý giải rằng vấn đề lớn nhất là AI có thể trở nên thông minh hơn con người theo nhiều cách. Ông so sánh sự tương tác giữa con người và AI với mối quan hệ giữa một người lớn và một đứa trẻ ba tuổi.
"Chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với thứ gì đó thông minh hơn chính mình", ông nói. "Bạn có thể tưởng tượng một đứa trẻ ba tuổi kiểm soát người lớn không? Và chúng ta chính là đứa trẻ trong mối quan hệ này".
Hinton cũng thừa nhận rằng sự tiến bộ nhanh chóng của AI đang vượt xa những gì ông từng dự đoán. Trong khi trước đây ông ước tính xác suất ngày tận thế AI trong 30 năm tới chỉ là 10%, thì hiện tại, con số này đã tăng lên.
Mối lo lớn nhất của Hinton không chỉ nằm ở sự phát triển của AI mà còn ở việc các công ty lớn đang nắm giữ quyền kiểm soát, thiếu các "lan can an toàn" để ngăn chặn rủi ro.
"Chỉ để AI trong tay các động cơ lợi nhuận của những tập đoàn lớn là không đủ", ông nhấn mạnh. "Điều duy nhất có thể buộc họ tập trung vào an toàn là các quy định từ chính phủ".
Hinton cảnh báo rằng "bàn tay vô hình" của thị trường không thể tự mình đảm bảo sự an toàn của AI. Việc thiếu các biện pháp kiểm soát có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng không chỉ về công nghệ mà còn về xã hội.
Tác động xã hội sâu rộng của AI
Ngay cả trong những viễn cảnh lạc quan hơn, Hinton cũng không cảm thấy nhẹ nhõm. Ông cho rằng AI sẽ thay đổi trật tự thế giới theo cách tương tự như Cách mạng Công nghiệp. Tuy nhiên, giống như thời kỳ đó, không phải ai cũng sẽ hưởng lợi từ sự thay đổi này.
"Sự gia tăng năng suất do AI mang lại có thể là tốt cho xã hội, nhưng nếu tất cả lợi ích chỉ thuộc về người giàu, còn người lao động mất việc làm và trở nên nghèo hơn, thì điều này sẽ rất xấu", ông cảnh báo.
Hinton lo ngại rằng bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng do AI có thể tạo điều kiện cho sự xuất hiện của chủ nghĩa cực đoan và các chế độ độc tài.
Mặc dù là một trong những người đặt nền móng cho AI, Hinton thừa nhận ông có cảm giác "hối tiếc" về công nghệ này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng đó là kiểu hối tiếc khi bạn làm điều đúng đắn nhưng hậu quả ngoài mong muốn.
"Nếu được làm lại, tôi vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu về AI", ông nói. "Nhưng tôi lo rằng các hệ thống thông minh hơn chúng ta cuối cùng sẽ kiểm soát mọi thứ".
Tương lai bất định của AI và nhân loại
Hinton khẳng định rằng AI hiện tại chưa thông minh hơn con người, nhưng viễn cảnh đó có thể xảy ra trong vài thập kỷ tới. Khi ấy, trí thông minh nhân tạo không chỉ thay thế mà còn vượt qua con người, khiến chúng ta trở nên "không còn tiên tiến" trong hệ sinh thái mà chính mình tạo ra.
Cuộc cách mạng do AI mang lại có thể là một con dao hai lưỡi. Nếu không có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ, AI không chỉ đe dọa đến công việc, sự bình đẳng, mà còn tiềm tàng khả năng thay đổi trật tự xã hội theo những cách không thể đoán trước.
Hinton hy vọng rằng các chính phủ và tổ chức sẽ có những hành động kịp thời để đảm bảo AI phát triển an toàn và có lợi cho toàn xã hội. Nhưng với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ và sự thiếu kiểm soát hiện tại, ông không chắc liệu chúng ta có thể theo kịp tốc độ của AI hay không.
"Tương lai của nhân loại phụ thuộc vào cách chúng ta đối mặt với trí tuệ nhân tạo hôm nay. Hãy đảm bảo rằng chúng ta không chỉ là những đứa trẻ ba tuổi trong cuộc chơi này".