Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực. Trong đó, có những hành vi vi phạm giao thông bị phạt rất nặng với số tiền lên tới 70 triệu đồng.
Mức phạt hành chính cao nhất được áp dụng với những hành vi sau: Người điều khiển ô tô lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau; dùng chân điều khiển vô lăng khi xe đang chạy trên đường bộ sẽ bị phạt từ 40-50 triệu đồng (mức cũ 10-12 triệu đồng). Nếu hành vi này dẫn đến tai nạn giao thông, tài xế sẽ bị phạt từ 50-70 triệu đồng.
Người tái phạm hành vi lạng lách, đánh võng sẽ bị tịch thu phương tiện.
Với các vi phạm như trên, ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị phạt bổ sung là tước bằng 10-12 tháng, 22-24 tháng hoặc trừ điểm giấy phép lái xe từ 2 đến 10 điểm.
Đây là mức phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm quy định giao thông đường bộ theo Nghị định mới.
Theo quy định cũ tại nghị định Nghị định 100/2019 được sửa bởi Nghị định 123/2021 thì mức phạt cao nhất với người điều khiển ô ô vi phạm nguyên tắc giao thông đường bộ là từ 30-40 triệu đồng.
Ngoài ra, từ ngày 1/1/2025, một hành vi vi phạm cũng bị tăng mức phạt rất cao là mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn, gây tai nạn giao thông, gấp 36-50 lần so với trước đây.
Cụ thể, theo Nghị định 168, người mở cửa xe hoặc để cửa xe mở không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng.
Nếu hành vi này dẫn đến tai nạn giao thông, người vi phạm sẽ bị phạt 20-22 triệu đồng, tăng gấp 36-50 lần so với trước đây khi Nghị định 100/2019 (đã hết hiệu lực) là phạt 400-600 nghìn đồng đồng và không chia 2 trường hợp như trên.
Nghị định 168 cũng quy định về một số hành vi dẫn đến gây tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt 20-22 triệu đồng, gồm: điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định; dừng, đỗ, quay đầu, lùi, vượt, chuyển làn đường không đúng quy định; không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe; không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau hoặc khi trời sương mù, mưa, khói; dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi lái xe.