Xuất khẩu “không cho hết trứng vào một giỏ” ứng phó rủi ro thuế quan

Admin

21/04/2025 20:30

Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu Việt Nam muốn phát triển bền vững, tránh những rủi ro thì cần quán triệt nguyên tắc “không cho hết trứng vào một giỏ”

Bài học từ quá khứ, hiện tại...

Nhìn lịch sử xuất khẩu cho thấy, hàng Việt xuất ngoại đã gặp không ít rủi ro trong thời gian dài vì tập trung quá nhiều vào một thị trường. Đơn cử như đối với ngành hàng nông sản. Lâu nay, Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt nên khi thị trường này "hắt xì, sổ mũi" thì hàng hóa của nước ta điêu đứng. 

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, nhu cầu nhập khẩu nông, thủy sản phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc trong nhiều năm qua rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam lại có lợi thế về vị trí địa lý, chung đường biên giới và nông sản phong phú. Đó là lý do xuất khẩu của nước ta lâu nay chủ yếu hướng sang Trung Quốc và đây là thị trường tiêu thụ số 1 của nước ta. Tuy nhiên, thị trường này cũng có nhiều bất ổn về tiêu dùng và thương mại chủ yếu là tiểu ngạch, thậm chí là có những lần tạo rào cản tạm ngừng nhập khẩu khiến hàng hóa của Việt Nam bị ùn ứ, thiệt hại. Nền nông sản Việt xuất khẩu nhiều năm luôn phải đối diện với bấp bênh, rủi ro và chúng ta đang ngày càng đẩy mạnh khai thác thị trường mới để giảm bớt phụ thuộc.

Bên cạnh đó, một câu chuyện điển hình khác về ngành gỗ. Hiện nay, có khoảng 60 - 70% mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam hướng đến thị trường Mỹ, thậm chí ở một số địa phương, tỷ lệ này còn lên tới 80-90%. Cũng chính vì lẽ đó, khi Mỹ áp thuế quan cao có thể khiến ngành này lao đao, doanh nghiệp bế tắc.

Theo các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm vào Mỹ chiếm tỷ lệ chi phối xấp xỉ 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ vào tất cả các thị trường trên thế giới là một điều không phải không đáng lo. Thực trạng này tiềm ẩn rủi ro cho ngành gỗ Việt khi phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất. "Với những thay đổi thất thường cùng bối cảnh nhiều chính sách biến động khó đoán của Chính phủ Mỹ trong thời gian gần đây và tương lai, ngành gỗ Việt sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn", ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam khẳng định.

Xuất khẩu “không cho hết trứng vào một giỏ” ứng phó rủi ro thuế quan- Ảnh 1.

Chiến lược xuất khẩu của Việt Nam sẽ hướng đến đa dạng hóa thị trường

"Không cho hết trứng vào một giỏ”

Trong bối cảnh thương mại thế giới đang đối diện với rất nhiều bất ổn và các quốc gia đang ngày càng sử dụng nhiều hàng rào để bảo vệ nền sản xuất trong nước, nhất là thuế quan, các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu Việt Nam muốn phát triển bền vững, tránh những rủi ro thì cần quán triệt nguyên tắc “không cho hết trứng vào một giỏ”.

Theo ông Nguyên, mặt hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tỷ trọng gần 45%, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, xuất sang thị trường này giảm gần 39%. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn cũng đang lên kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm và hướng đến chiến lược thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản...

"Doanh nghiệp cần phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống theo hướng đa dạng hóa, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường như trước đây. Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm đến các hiệp định thương mại - nơi hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan để khai thác và mở rộng thị trường", ông Nguyên nhấn mạnh.

Về câu chuyện này, dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) cho biết, tình hình thương mại thế giới đang và sẽ phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. Chính hoàn cảnh này buộc doanh nghiệp Việt phải đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. 

"Doanh nghiệp cần tập trung tìm kiếm giải pháp để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong trung hạn và dài hạn. Doanh nghiệp có thể hướng sang các thị trường thuận lợi hơn như Canada, Nhật Bản, EU...để hưởng thuế suất ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA); cấp bách tận dụng 17 FTA đã ký kết để tìm kiếm thị trường mới. Bên cạnh đó, có một số thị trường như Trung Đông, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Phi…cũng rất tiềm năng. Hiện Bộ Công thương đang thúc đẩy đàm phán với các nước Mỹ Latinh, Nam Á, Đông Âu, Trung Đông, Pakistan, Ai Cập…để "mở đường" cho hàng Việt xâm nhập", ông Linh phân tích.

Đại diện phía doanh nghiệp, TS.Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội kiến nghị, Chính phủ cần có các chiến lược về thị trường xuất khẩu, định hướng để các ngành hàng tránh phụ thuộc vào một, hay một số thị trường nhất định. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm thị trường mới và tận dụng tối đa các lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết.

"Một trong những "chìa khóa" quan trọng để doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn hiện nay là sự chủ động của chính doanh nghiệp, chủ động đối phó với các thay đổi thuế quan, chủ động nâng cao nội lực, thích nghi bối cảnh thương mại mới và chủ động tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường", TS.Mạc Quốc Anh khuyến nghị thêm đối với doanh nghiệp.


Bạn đang đọc bài viết "Xuất khẩu “không cho hết trứng vào một giỏ” ứng phó rủi ro thuế quan" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).