Xem Upstream, tôi đau xót nhận ra đời shipper Trung Quốc quá bạc: Không ngày nghỉ, nhận chưa đến 20 nghìn đồng/đơn, phải giao hàng bằng cả tính mạng

Admin

12/01/2025 12:30

Một khi thị trường giao hàng nhanh sôi động, miếng bánh bị chia nhỏ, cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn rất nhiều.

Xem Upstream, tôi đau xót nhận ra đời shipper Trung Quốc quá bạc: Không ngày nghỉ, nhận chưa đến 20 nghìn đồng/đơn, phải giao hàng bằng cả tính mạng- Ảnh 1.

Qua câu chuyện khủng hoảng tuổi trung niên của người đàn ông tuổi ngoài 40 ở đô thị lớn, đạo diễn Từ Tranh kể câu chuyện ‘Upstream - Ngược dòng cuộc đời’ thật thú vị về nền kinh tế hợp đồng ngắn hạn khi thời của giao hàng nhanh chiếm lĩnh. Cuộc sống của các shipper dần lộ ra, với nỗi ám ảnh lớn nhất không chỉ là nhanh chóng hoàn thành đơn hàng trong ngày.

Bộ phim đánh trúng tâm lý của nhiều người ở Trung Quốc trong thời đại hậu đại dịch, khi hàng triệu lao động rơi vào khủng hoảng việc làm, buộc phải chuyển sang làm việc tự do để trang trải cuộc sống. Một khi thị trường shipper sôi động, miếng bánh bị chia nhỏ, cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn rất nhiều.

Người đàn ông trong câu chuyện ‘Upstream’ đại diện cho một bộ phận lớn các shipper đang kiếm kế sinh nhai tại Trung Quốc. Áp lực rất lớn kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhiều người phàn nàn rằng họ kiếm được ít tiền hơn dù phải đi nhiều chuyến hơn mỗi ngày.

Li Xaoliang, người đàn ông hơn 30 tuổi rám nắng và gầy gò, rong ruổi khắp các con đường ở Thượng Hải trên chiếc xe đạp điện để làm công việc ship hàng cho các công ty logistics. Có thể nói, chỉ cần một chiếc xe và điện thoại thông minh, hầu như ai cũng có thể trở thành shipper. Li và đồng nghiệp của anh, được gọi thân mật là “kuaidi xiaoge”, đã trở thành một nét đặc trưng trong nhiều năm qua trên khắp các đường phố Trung Quốc.

Đối với những người như Li, shipper là một cách để thoát khỏi đói nghèo ở nông thôn. Li sinh ra ở thành phố Vu Hồ thuộc tỉnh An Huy, cách Thượng Hải khoảng 280 km. Anh là một trong số hàng triệu người lao động di cư từ các vùng nông thôn, đã và đang đóng góp tích cực cho quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc.

Li và đồng nghiệp hầu như không có ngày nghỉ, trừ Tết Nguyên đán. Động lực lớn nhất của họ là thu nhập. Li nhận được 5 nhân dân tệ (0,8 USD) cho mỗi bưu kiện. Trung bình, một shipper có kinh nghiệm như anh có thể giao tới 120 kiện hàng mỗi ngày.

“Kuaidi” có mặt ở khắp nơi, đặc biệt là sau khi các công ty thương mại điện tử và giao đồ ăn phát triển mạnh. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, Li lộ rõ vẻ mệt mỏi dù anh thường bắt đầu ngày mới không quá sớm, lúc 7:30. Một ngày điển hình thường kéo dài đến 9 giờ tối.

Aidan Chau đến từ China Labour Bulletin, một tổ chức phi chính phủ ở Hong Kong, cho biết: “Khối lượng công việc của nhân viên giao hàng đang tăng lên, trong khi lương của họ lại giảm”.

Một shipper đã nghỉ việc cho biết: “Trong những giờ đặt đồ ăn cao điểm, chúng tôi điều khiển xe bằng một tay, tay còn lại cầm điện thoại để nhận đơn hàng. Luôn có những lúc chúng tôi suýt va chạm với phương tiện khác. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình đang đặt cược mạng sống của mình khi giao hàng”.

Xem Upstream, tôi đau xót nhận ra đời shipper Trung Quốc quá bạc: Không ngày nghỉ, nhận chưa đến 20 nghìn đồng/đơn, phải giao hàng bằng cả tính mạng- Ảnh 2.

Việc các shipper phải làm việc quá sức chịu đựng đã dẫn đến bi kịch. Một đoạn video khủng khiếp từng lan truyền trên mạng xã hội ở Trung Quốc với hình ảnh một tài xế hãng giao hàng Ele.me đang tự thiêu và được người qua đường cứu. Người này tên là Liu Jin, 40 tuổi, đến từ một vùng nông thôn nghèo ở Vân Nam. Được biết, trước khi tự thiêu, Liu có tranh chấp về tiền lương với công ty và chưa được giải quyết.

Cư dân mạng Trung Quốc cũng được một dịp xôn xao khi một shipper khác tố cáo rằng ông chỉ nhận được 0,8 nhân dân tệ cho 17 ngày làm việc. Lý do công ty đưa ra là đã có 22 khiếu nại của khách hàng nên lương của ông bị cắt giảm.

Nghiên cứu của China Labour Bulletin, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết các ứng dụng giao hàng ban đầu đã đầu tư mạnh để đưa ra mức lương cao hơn nhằm thu hút đủ lao động cho quá trình mở rộng của họ.

“Nhưng khi điều kiện thay đổi, với các công ty nền tảng độc quyền thị trường và phát triển thuật toán kiểm soát quy trình lao động, người lao động có ít quyền bảo vệ lao động và mất đi một mức độ tự do nhất định”, báo cáo cho biết.

Hiện tại, tiền lương của nhân viên giao hàng đã bị cắt giảm mạnh. Theo Trung tâm nghiên cứu việc làm mới của Trung Quốc, năm 2018, họ kiếm được trung bình hơn 1.000 USD/tháng, so với chưa đến 950 USD/tháng vào năm 2023.

Vấn đề là mặc dù kiếm được ít hơn, nhiều người hiện phải làm việc nhiều giờ hơn. Lu Sihang, 20 tuổi, nói với CNN rằng anh làm ca 10 tiếng và giao 30 đơn hàng mỗi ngày. Anh kiếm được khoảng 30 đến 40 USD mỗi ngày. Với tốc độ đó, Lu phải làm việc hầu như hàng ngày để đạt được mức lương trung bình 950 USD.

Áp lực đến từ  “thời gian đếm ngược”, tức khách hàng phải nhận được đồ nhanh nhất có thể. Điều đó đồng nghĩa với việc các tài xế phải cắt ngang đường, phóng nhanh hoặc vượt đèn đỏ - gây ra những mối nguy hiểm cho cả bản thân họ và những người tham gia giao thông.

Các chuyên gia cho biết mặc dù thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, nhưng nền kinh tế yếu kém khiến khách hàng chi ít hơn cho các đơn hàng giao hàng. Trong khi đó, các nhà hàng sẽ phải giảm giá để thu hút khách.

Điều này làm giảm thu nhập của nhân viên giao hàng vì tiền lương của họ thường được gắn với hoa hồng dựa trên giá của đơn hàng. Khi khách hàng cảm thấy thiếu tiền, họ cũng ít có khả năng đưa tiền boa hơn.

Theo ước tính của iiMedia Research, một công ty có trụ sở tại Trung Quốc chuyên theo dõi xu hướng của người tiêu dùng, ngành công nghiệp giao hàng dự kiến sẽ đạt 280 tỷ USD vào năm 2030. Morningstar cho biết Trung Quốc có thị trường giao đồ ăn mang về lớn nhất thế giới.

Nguồn: Nikkei, CNN