Quy trình lỏng lẻo
Trao đổi với PV Tiền Phong , luật sư Lê Văn Khởi - Đoàn luật sư TP. Hà Nội - cho rằng, theo Nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), hiện nay một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng… được áp dụng cơ chế hậu kiểm.
Cơ chế này được nhiều nước trên thế giới sử dụng, nhằm giúp doanh nghiệp giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ và thời gian. Tuy nhiên, đây vô tình cũng là kẽ hở cho các doanh nghiệp làm ăn gian dối. Nhiều sản phẩm sữa tự công bố dưới sự kiểm nghiệm của đơn vị thứ 3 thay vì phải kiểm nghiệm độc lập dưới sự giám sát của cơ quan Nhà nước.

Cơ quan công an phát hiện hàng trăm loại sữa giả tuồn ra thị trường.
Theo luật sư Khởi, sản phẩm kém chất lượng nhưng một số đơn vị kiểm nghiệm lại thiếu năng lực đánh giá không đúng hoặc thậm chí có hiện tượng bắt tay mua bán kết quả. Trong khi đó, cơ quan chức năng thường chỉ kiểm tra trên hồ sơ. Trong vụ 600 loại sữa giả này, các sản phẩm đều thuộc quản lý của các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm địa phương, đây là đơn vị tiếp nhận bản đăng ký công bố.
“Doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đến đầy đủ, các chi cục chỉ rà soát tiếp nhận hồ sơ và đăng tải thông tin hồ sơ, giấy công bố lên hệ thống, còn chất lượng thực tế của sản phẩm ra sao thì họ không đánh giá. Điều này xem như doanh nghiệp tự công bố và tự sản xuất mà không chịu giám sát từ đầu vào”, luật sư Khởi nói.
Vị luật sư cho rằng việc hậu kiểm hiện còn mang tính hình thức, không đủ sức răn đe. Bởi, nếu không có phản ánh của người tiêu dùng, trước khi hậu kiểm, cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm phải gửi thông báo cho doanh nghiệp.
“Khi doanh nghiệp có thể biết trước được lịch kiểm tra của cơ quan chức năng, họ có thời gian thu xếp và chuẩn bị để việc kiểm tra chất lượng đạt kết quả như mong muốn. Đó cũng là lý do vì sao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội đã 2 lần kiểm tra 2 nhà máy sản xuất sữa giả (Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group - PV) nhưng không phát hiện ra vi phạm”, luật sư Khởi nói và cho rằng với những nhóm hàng nhạy cảm, ví dụ như sữa trẻ em, thực phẩm, dược phẩm chức năng cần áp dụng cơ chế tiền kiểm. Hậu kiểm cần phải tiến hành đột xuất, lấy mẫu diện rộng và bắt buộc kiểm tra xác suất định kỳ.
Thiếu sự phối hợp
Một trong những vấn đề đáng nói là hàng trăm nghìn sản phẩm được bày bán công khai thị trường trong suốt 4 năm nhưng các cơ quan chức năng dường như bỏ trống, không kiểm tra và phát hiện vi phạm. Theo lời ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trong suốt thời gian này, lực lượng quản lý thị trường không kiểm tra vì đây không là các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương, chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Luật sư Lê Thị Thanh Hà - Công ty Luật An Hoàng Gia - cho biết, đây là vấn đề cần xem lại chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Bởi, hiện nay chúng ta đã có đầy đủ các cơ quan trong việc kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng lậu và hàng kém chất lượng trên thị trường.
Trong vụ việc này có thể kể đến từ Cục An toàn thực phẩm, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Thanh tra Sở Y tế, Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công Thương... còn liên ngành đã có Ban Chỉ đạo 389.

Việc hậu kiểm lỏng lẻo đã khiến các sản phẩm giả, kém chất lượng bày bán công khai trên thị trường.
“Chúng ta đã có bộ máy với đầy đủ ban bệ để có thể giám sát được việc này nhưng vì sao vẫn không ai kiểm tra. Phải chăng các đơn vị buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, hay sự phối hợp giữa các cơ quan có vấn đề?”, luật sư Hà đặt câu hỏi.
Theo luật sư Hà, quản lý thị trường có thể không phải là đơn vị quản lý chuyên ngành và kiểm tra về chất lượng, nhưng khi sản phẩm đã là hàng hóa trên thị trường thì đơn vị này phải có trách nhiệm giám sát. “Vấn đề là họ đã chủ động đề xuất hoặc có kế hoạch phối hợp với cơ quan chuyên môn như chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm để kiểm tra, kiểm soát nhóm sản phẩm này để cảnh báo từ sớm, từ xa cho người dân hay chưa?”, luật sư Hà bày tỏ.
Theo các luật sư, kẽ hở khiến công tác giám sát, kiểm tra sữa giả gặp khó là các sản phẩm này hiện chủ yếu bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, nơi việc kiểm soát gần như bỏ ngỏ. Thậm chí, để lách kẽ hở, các doanh nghiệp còn thuê một số người nổi tiếng, diễn viên điện ảnh, người có sức ảnh hưởng để quảng cáo và bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng qua các kênh quảng cáo trên mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo...
Luật sư cho rằng, trong việc sửa đổi Luật Quảng cáo sắp tới cần phải có nội dung ràng buộc trách nhiệm liên đới nếu người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo cho sản phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời có chế tài mạnh hơn (như cấm có thời hạn quảng cáo, buộc xin lỗi công khai, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự).
Ban chỉ đạo 389 quốc gia vừa yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kiện toàn, đồng thời sửa đổi quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2024, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 137.243 vụ vi phạm về gian lận thương mại, sản xuất, mua bán, hàng giả, hàng kém chất lượng... (giảm hơn 5% so với cùng kỳ).
Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu, năm 2025 các đơn vị cần chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, mặt hàng, các hoạt động nổi lên để ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý.