Theo Nghị quyết 60-NQ/TW nêu 34 tỉnh thành sau sáp nhập gồm: 11 tỉnh thành giữ nguyên và 23 tỉnh thành mới sau sáp nhập, hợp nhất 52 tỉnh thành hiện nay. Trong đó, hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.
Hôm 21/4, UBND TP Hải Phòng và UBND tỉnh Hải Dương vừa đề xuất Bộ Nội vụ về đề án hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh để thẩm định, trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo phương án hợp nhất, tên gọi mới của 2 địa phương này là TP Hải Phòng, đặt Trung tâm Hành chính – Chính trị tại KĐT mới Bắc Sông Cấm, Thủy Nguyên.
Đề án cũng đã đưa ra những lý do về lựa chọn tên Hải Phòng sau hợp nhất. Cụ thể, Hải Phòng từ lâu đã khẳng định vị thế là một trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực phía Bắc và cả nước. Với cụm cảng biển nước sâu Lạch Huyện và cảng Hải Phòng, thành phố này là cửa ngõ xuất nhập khẩu chính, sở hữu hệ thống kho bãi và logistics đạt chuẩn quốc tế. Hải Phòng ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số liên tục trong 10 năm, trong đó ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 53% GRDP.

Hải Phòng với những cây cầu vượt sông tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: Tiền Phong
Thành phố là nơi thu hút nhiều tập đoàn lớn trong các lĩnh vực điện tử, ô tô và thiết bị điện, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế. Trong khi đó, Hải Dương dù cũng là một địa phương công nghiệp quan trọng, nhưng quy mô kinh tế và mức độ phát triển đô thị chưa thể sánh ngang với Hải Phòng. Việc giữ tên Hải Phòng nhằm duy trì thương hiệu kinh tế mạnh mẽ và đảm bảo sự liên tục trong các hoạt động đầu tư, thương mại quốc tế.
Về lịch sử, văn hóa, cả Hải Phòng và Hải Dương đều sở hữu nền văn hóa dân gian phong phú, với các di sản như hát chèo, ca trù và hát trống quân, phản ánh đời sống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, Hải Phòng mang dấu ấn lịch sử đặc biệt với vai trò là một thành phố cảng lâu đời, gắn liền với quá trình phát triển thương mại và giao lưu văn hóa quốc tế.
Hải Phòng còn là một trong những thành phố lâu đời của Việt Nam, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đóng vai trò quan trọng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đây là địa phương gắn với những biểu tượng như chiến thắng Bạch Đằng.
Bên cạnh đó, Hải Phòng hiện là thành phố trực thuộc Trung ương với danh xưng nổi bật như "Thành phố Cảng", "Thành phố hoa Phượng đỏ", "Thành phố du lịch biển". Tên gọi Hải Phòng cũng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước.

Vì sao trung tâm hành chính đặt ở Thủy Nguyên, Hải Phòng?
Bên cạnh việc giữ tên Hải Phòng sau sáp nhập, trung tâm hành chính – chính trị của thành phố mới sẽ được đặt tại khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, thuộc huyện Thủy Nguyên. Vị trí này nằm ở trung gian giữa Hải Phòng và Hải Dương, tận dụng tối đa hạ tầng hiện đại và các khu công nghiệp lớn.
Cụ thể, khu vực này phía Tây kết nối trực tiếp với Hải Dương, giúp duy trì sự liên kết giữa hai khu vực trung tâm cũ, phía Bắc giáp Quảng Ninh, có tiềm năng mở rộng và liên kết vùng với một trong những trung tâm kinh tế mạnh nhất miền Bắc, phía Nam nằm gần khu vực lõi đô thị Hải Phòng, vừa duy trì kết nối với cảng biển, vừa tránh áp lực đô thị quá tải.
Khu vực này có hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối toàn bộ thành phố mới, như: cao tốc Hà Nội – Hải Dương - Hải Phòng kết nối với Thủ đô Hà Nội và các vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc; cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái mở ra cơ hội phát triển kinh tế và liên kết với khu vực biên giới.
Ngoài ra, theo quy hoạch định hướng phát triển Hải Phòng đến năm 2030, trở thành cảng biển lớn nhất cả nước, dẫn đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số. Trong khi đó, Hải Dương được định hướng đến năm 2050 mới đạt một số tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.
Quốc lộ 10 và quốc lộ 5 có vai trò trục giao thông quan trọng, giúp trung tâm hành chính mới dễ dàng điều phối, quản lý trên toàn địa bàn.
Không chỉ vậy, Thủy Nguyên còn nằm gần sân bay Cát Bi và hệ thống cảng biển Hải Phòng, giúp nâng cao khả năng kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế.
Thủy Nguyên có hạ tầng đô thị hiện đại, đã có sẵn các khu đô thị mới và trung tâm hành chính mới, đảm bảo hiệu quả công tác, chất lượng cuộc sống cho cán bộ, công chức và người dân.
Quỹ đất của Thủy Nguyên hiện vẫn rộng, có khả năng mở rộng không gian đô thị mới mà không gây áp lực lên không gian đô thị hiện hữu, mô hình đô thị thông minh, giúp tạo ra một trung tâm hành chính theo hướng hiện đại, khoa học và hiệu quả.

Trung tâm hành chính - chính trị tại Thủy Nguyên đang dần hoàn thiện - Ảnh: PLO
Nơi này cũng gần các khu công nghiệp lớn, dễ dàng tiếp cận các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm. So với các khu vực khác trong tỉnh mới, Thủy Nguyên có lợi thế lớn về hạ tầng và khả năng quy hoạch, đảm bảo một trung tâm hành chính có tính đồng bộ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển trong ít nhất 50 năm tới…
Vì vậy, việc chọn giữ tên Hải Phòng và đặt trung tâm hành chính – chính trị tại Thủy Nguyên giúp định vị đơn vị mới như một đô thị hiện đại, có tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế, đồng thời tận dụng cơ sở hạ tầng và quy hoạch sẵn có của Hải Phòng để thúc đẩy phát triển đồng bộ.
TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sau sáp nhập có 114 đơn vị hành chính gồm: 46 phường; 66 xã; 2 đặc khu. Trong đó: Hải Phòng có 50 đơn vị hành chính gồm: 25 phường, 23 xã, 2 đặc khu; Hải Dương có 64 đơn vị hành chính gồm: 21 phường; 43 xã.
Sau hợp nhất, TP Hải Phòng (mới) có diện tích 3.194,7 km2 (đạt 212,98% so với tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương), quy mô dân số 4.664.124 người (đạt 466,41% so với tiêu chuẩn).
Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2024 ước đạt hơn 657.000 tỷ đồng. Lũy kế có 1.625 dự án với tổng vốn đầu tư FDI khoảng 45 tỷ USD.