Vì sao AMD lại là kẻ nắm đằng chuôi trong thương vụ Broadcom thâu tóm Intel: Tất cả nhờ một thỏa thuận ràng buộc ít ai để ý

Admin

20/02/2025 20:15

Có ý kiến cho rằng AMD có thể tận dụng cơ hội này để đàm phán với Broadcom về việc hợp tác phát triển các giao diện kết nối mới nhằm đối đầu với Nvidia.

Những đồn đoán về số phận của Intel ngày càng nóng lên khi công ty này gặp khó khăn tài chính và chậm trễ trong phát triển công nghệ. Tin đồn gần đây cho thấy Broadcom có thể đang nhắm đến việc mua lại mảng kinh doanh CPU của Intel, trong khi chính phủ Mỹ được cho là đang cân nhắc để TSMC tiếp quản bộ phận sản xuất chip của Intel. Tuy nhiên, một rào cản pháp lý quan trọng có thể khiến mọi kế hoạch này bị chững lại: thỏa thuận cấp phép chéo giữa AMD và Intel.

AMD và Intel đã ký nhiều thỏa thuận cấp phép chéo trong lịch sử, với phiên bản gần nhất được ký vào năm 2009. Thỏa thuận này cho phép cả hai công ty sử dụng các bằng sáng chế của nhau để tránh các tranh chấp pháp lý về bản quyền công nghệ. Không chỉ giới hạn trong bộ xử lý x86, thỏa thuận còn bao gồm nhiều công nghệ quan trọng như GPU, DPU và FPGA. Nhờ đó, AMD có thể sản xuất CPU x86 dựa trên bộ lệnh của Intel, trong khi Intel có thể tích hợp các sáng tạo của AMD vào sản phẩm của mình.

Quan trọng hơn, thỏa thuận này có điều khoản chặt chẽ: nếu một trong hai công ty bị mua lại, sáp nhập hoặc tham gia liên doanh làm thay đổi quyền sở hữu, thỏa thuận này sẽ lập tức bị hủy bỏ. Khi đó, cả hai bên phải đàm phán lại một thỏa thuận cấp phép mới.

Vì sao AMD lại là kẻ nắm đằng chuôi trong thương vụ Broadcom thâu tóm Intel: Tất cả nhờ một thỏa thuận ràng buộc ít ai để ý- Ảnh 1.

Nếu Broadcom mua lại mảng CPU của Intel, điều này đồng nghĩa với việc thỏa thuận cấp phép với AMD sẽ không còn hiệu lực. Về mặt lý thuyết, Broadcom có thể tiếp tục sản xuất CPU x86, nhưng nếu mất quyền sử dụng những công nghệ mở rộng như AVX, SSE hay các tối ưu hóa quan trọng khác, những con chip này sẽ khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm hiện đại. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến Intel mà còn đặt Broadcom vào thế khó, khi họ phải đàm phán với AMD để khôi phục quyền sử dụng công nghệ quan trọng này.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu AMD có muốn tiếp tục thỏa thuận cấp phép với Broadcom hay không? Trước đây, Broadcom chủ yếu tập trung vào các giải pháp mạng và công nghệ không dây, nhưng gần đây công ty này đã mở rộng sang lĩnh vực bảo mật, lưu trữ và phần mềm hạ tầng. Đặc biệt, Broadcom đang vươn lên trở thành một đối thủ nặng ký trong thị trường AI, hợp tác chặt chẽ với Amazon, Google và Microsoft để phát triển chip AI tùy chỉnh. Nếu Broadcom có thêm mảng CPU của Intel, họ có thể xây dựng một nền tảng trung tâm dữ liệu toàn diện, trở thành mối đe dọa còn lớn hơn với AMD so với chính Intel trước đây.

Có ý kiến cho rằng AMD có thể tận dụng cơ hội này để đàm phán với Broadcom về việc hợp tác phát triển các giao diện kết nối mới nhằm đối đầu với Nvidia. Tuy nhiên, xét về lợi ích chiến lược, Broadcom có vẻ quan tâm hơn đến việc xây dựng nền tảng AI độc lập thay vì hỗ trợ AMD trong cuộc chiến chống Nvidia. Việc sở hữu công nghệ CPU từ Intel có thể giúp Broadcom hoàn thiện hệ sinh thái trung tâm dữ liệu của mình, tạo thế cạnh tranh trực tiếp với AMD, thay vì hợp tác.

Rõ ràng, AMD nắm trong tay quyền lực lớn trong thương vụ này. Nếu họ từ chối ký lại thỏa thuận cấp phép, Broadcom sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc sử dụng công nghệ x86 của Intel, làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh. Điều này không chỉ khiến thương vụ trở nên rủi ro hơn đối với Broadcom mà còn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn.

Dù chưa có gì chắc chắn, nhưng với thỏa thuận cấp phép chéo đang tồn tại, AMD hoàn toàn có thể là bên quyết định số phận của thương vụ này. Trong bối cảnh ngành công nghiệp chip đang thay đổi nhanh chóng, rào cản pháp lý này có thể là yếu tố then chốt khiến Intel không thể dễ dàng bị thâu tóm.