Tuyến đường sắt 8 tỷ USD nối với Trung Quốc: Một tỉnh đề nghị hạn chế tối đa tác động đến quần thể di tích quốc gia đặc biệt

Admin

16/05/2025 20:30

Tại buổi làm việc về dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục điều chỉnh, thu hẹp bán kính các tuyến nhánh và nút giao để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu di tích Sơn Lăng Cấm Địa.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, sáng ngày 16/5, đã diễn ra buổi làm việc giữa UBND tỉnh và Bộ Xây dựng về quy mô, hướng tuyến của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đoạn đi qua địa bàn tỉnh. 

Đơn vị tư vấn đã trình bày hướng tuyến của dự án, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và các phương án đấu nối tuyến nhánh. Trong đó, đơn vị đã tiếp thu ý kiến của địa phương về hạn chế tối đa tác động của dự án đến quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt - khu Sơn Lăng Cấm Địa (thành phố Từ Sơn) và bám theo đề xuất của tỉnh nhằm đáp ứng việc triển khai các tuyến đường sắt và hạ tầng kết nối.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn cho biết tỉnh thống nhất hướng tuyến chính của dự án theo phương án nghiên cứu tiền khả thi. Ông đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục điều chỉnh, thu hẹp bán kính các tuyến nhánh và nút giao để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu di tích Sơn Lăng Cấm Địa.

Đối với tuyến đường bộ kết nối từ sân bay Gia Bình về Hà Nội, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, cần giữ hướng tuyến đã nghiên cứu và thống nhất giữa tỉnh Bắc Ninh và TP. Hà Nội. 

Đối với việc kết hợp đường sắt đô thị vào tuyến đường này, ông yêu cầu cần tuân thủ các nguyên tắc đã thống nhất về mặt cắt và hướng tuyến. Không nên phát sinh thêm tuyến đường sắt mới, nhằm đảm bảo các tiêu chí: “ngắn nhất, thẳng nhất, hiện đại nhất và đẹp nhất”. Đồng thời, cần tránh phá vỡ trục cảnh quan đô thị, gây lãng phí về quy hoạch và nguồn lực. 

Về công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo; đơn vị chức năng đã tiến hành thống kê diện tích đất, số hộ thuộc diện tái định cư và đã sẵn sàng khu tái định cư. Việc phân bổ kinh phí để triển khai giải phóng mặt bằng dự kiến sẽ trình HĐND vào cuối tháng 5. 

Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 8, theo đúng lộ trình của Chính phủ và Bộ Xây dựng đặt ra.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy thông tin, dự án xuất hiện nhiều yếu tố mới như: quy mô sân bay Gia Bình, quy hoạch tuyến đường kết nối từ sân bay về Hà Nội (bao gồm cả đường sắt đô thị), nhà đầu tư đề xuất tuyến đường sắt nối sân bay với Quảng Ninh. Những yếu tố này làm phát sinh các vấn đề kỹ thuật cần xử lý để bảo đảm tầm nhìn dài hạn đồng bộ và tiết kiệm nguồn lực.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, đơn vị tư vấn đã hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu di tích lịch sử và nhận được sự đồng thuận của TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh… Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp các đơn vị rà soát để thu hẹp bán kính các tuyến nhánh, lập phương án 3D cho các nút giao, bảo đảm kỹ thuật và tính khả thi theo ý kiến hai địa phương. 

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các nội dung liên quan phải gắn với công năng, nhu cầu vận tải và sử dụng đất để tránh lãng phí.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng thống nhất ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc chỉ nên có một tuyến đường sắt đô thị trên tuyến đường bộ từ sân bay Gia Bình về Hà Nội, tránh phá vỡ cảnh quan, không gian tuyến đường.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 9 tỉnh, thành phố là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Tuyến có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai (mới) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) và điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, TP. Hải Phòng.

Trên tuyến bố trí 18 ga (3 ga lập tàu; 15 ga hỗn hợp) và 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật. Tính toán sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 8 tỷ USD)

Tại tỉnh Bắc Ninh, tuyến đường sắt đi qua địa bàn thành phố Từ Sơn và thị xã Thuận Thành, có ga Yên Thường thuộc xã Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) và phường Châu Khê (Từ Sơn).