Từng được săn đón với lương tỷ đồng, nghề “thì thầm với AI” giờ lao dốc không phanh đến mức không ai muốn tuyển

Admin

03/05/2025 17:00

Chỉ sau chưa đầy hai năm, nghề nghiệp này đã rơi vào vùng trũng tuyển dụng, bị thay thế bởi chính sự phát triển quá nhanh của AI, và cả cách doanh nghiệp định nghĩa lại kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên mới.

Từng được săn đón với lương tỷ đồng, nghề “thì thầm với AI” giờ lao dốc không phanh đến mức không ai muốn tuyển- Ảnh 1.

Mới chỉ hai năm trước, prompt engineering (kĩ sư viết câu lệnh) - công việc chuyên viết lời nhắc (prompt) để tối ưu phản hồi từ mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) - được tung hô là nghề hot nhất trong kỷ nguyên AI. Với mức lương rao tuyển lên đến 200.000 USD, vị trí này được kỳ vọng sẽ trở thành "người thì thầm với AI" trong mọi tổ chức.

Thế nhưng đến nay, vai trò này gần như đã biến mất khỏi bản đồ tuyển dụng công nghệ. Theo Microsoft, prompt engineering hiện nằm gần cuối danh sách các vị trí AI mà doanh nghiệp quan tâm trong 12-18 tháng tới, xếp sau các vị trí như AI trainer, chuyên gia dữ liệu AI, và chuyên viên bảo mật AI.

Từng được săn đón với lương tỷ đồng, nghề “thì thầm với AI” giờ lao dốc không phanh đến mức không ai muốn tuyển- Ảnh 2.

Vì sao prompt engineering bị "hụt hơi"?

Lý do đầu tiên là chính sự phát triển quá nhanh của các mô hình AI. Những gì từng là "nghệ thuật hỏi đúng câu" giờ đã được tích hợp sẵn bên trong mô hình. Các LLM hiện đại không chỉ hiểu ngữ cảnh tốt hơn mà còn có khả năng hỏi ngược lại người dùng, làm rõ yêu cầu nếu chưa rõ, và gợi ý cải tiến prompt – khiến việc phải viết "câu lệnh hoàn hảo" trở nên không cần thiết.

Jared Spataro, Giám đốc marketing AI tại Microsoft, thẳng thắn nhận xét: "Hai năm trước, ai cũng nghĩ prompt engineer sẽ là nghề hot. Nhưng thực tế không phải vậy."

Lý do thứ hai đến từ chính các doanh nghiệp. Thay vì thuê riêng một người chuyên viết prompt, nhiều công ty đang triển khai chương trình đào tạo AI nội bộ, giúp mọi nhân viên – từ tài chính, nhân sự đến pháp lý – có khả năng giao tiếp hiệu quả với mô hình AI. Với cách tiếp cận này, kỹ năng prompt trở thành một phần trong năng lực công việc, không còn là một chức danh độc lập.

Jim Fowler, CTO của Nationwide, cho biết prompt engineering là một trong những khóa học phổ biến nhất trong chương trình đào tạo AI toàn công ty. Nhưng đó chỉ là kỹ năng nền, không phải nghề chuyên biệt.

Trên nền tảng việc làm Indeed, số lượng tin tuyển dụng prompt engineer cực kỳ ít ỏi. Hannah Calhoon, Phó Chủ tịch phụ trách AI của Indeed, cho biết số lượt tìm kiếm vị trí này từng tăng vọt vào giữa năm 2023 - từ chỉ 2 lượt tìm kiếm mỗi triệu đến 144 lượt - nhưng hiện đã rơi về mức ổn định rất thấp, chỉ khoảng 20–30 lượt tìm kiếm mỗi triệu.

"Người ta từng nói rất nhiều về giá trị của prompt engineer," Calhoon nhận xét, "nhưng thực tế là các công ty không thực sự tuyển dụng cho vị trí đó."

Đằng sau xu hướng này là sự thay đổi căn bản: thay vì "thuê chuyên gia", các công ty đang xây dựng AI như một năng lực phổ quát, yêu cầu mọi nhân sự đều có thể giao tiếp với mô hình - dù là nhà phân tích tài chính hay chuyên viên pháp lý. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và áp lực hiệu suất ngày càng cao, cách tiếp cận này rõ ràng hợp lý hơn.