Truy tận gốc vấn nạn hàng giả: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Admin

23/05/2025 17:30

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế ngày càng tinh vi, phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định sẽ siết chặt quản lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm.

Sáng 23/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tiến độ triển khai thực hiện công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế luôn xác định thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm… đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chính vì vậy, hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế không phải là mới, mà đã được Bộ Y tế và các cơ quan liên quan triển khai thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua.

Truy tận gốc vấn nạn hàng giả: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP).

Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý các mặt hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội còn nhiều vấn đề mới phức tạp.

"Nếu chúng ta không kịp chấn chỉnh, đây sẽ là nội dung khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt lĩnh vực an toàn thực phẩm liên quan đến 3 Bộ cùng quản lý, việc buôn bán sản phẩm liên quan đến nhiều công đoạn", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Về phía Bộ Y tế, Bộ đã tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công an trong chấn chỉnh công tác phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... trong thời gian tới.

Thực tế vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều đường dây, sản phẩm vi phạm, bao gồm cả đội ngũ cán bộ liên quan trực tiếp đến vấn đề này cũng đã bị xử lý theo pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng nhìn nhận những khó khăn như công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, công nghệ hiện đại bị lợi dụng để sản xuất hàng giả; hoạt động kinh doanh trực tuyến chưa được kiểm soát hiệu quả; việc thanh tra, kiểm nghiệm tại tuyến cơ sở còn hạn chế do thiếu nhân lực và trang thiết bị...

Truy tận gốc vấn nạn hàng giả: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ- Ảnh 2.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chống gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế (Ảnh: VGP).

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, siết chặt kiểm soát đăng ký, quảng cáo, lưu hành và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời tăng mức xử phạt trong lĩnh vực này.

Liên quan đến các vụ án bị phát hiện và xử lý gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, công tác triển khai hậu kiểm của các địa phương chưa nghiêm. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, liên quan đến mặt hàng do địa phương quản lý, phải tổ chức hậu kiểm, có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo cơ quan cấp trên liên quan.

Bộ Y tế đang tập trung xây dựng 2 nghị định có liên quan về phân định thẩm quyền thực hiện theo chính quyền 2 cấp.

Theo Bộ trưởng, tinh thần của các văn bản này là phân cấp tối đa cho địa phương triển khai nhiệm vụ thực tiễn. Bộ chỉ tập trung xây dựng các văn bản, pháp lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Như vậy, vai trò của UBND tỉnh, thành và các Sở Y tế ngày càng lớn hơn.

Bộ trưởng cũng khẳng định quan điểm xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực y tế là không vùng cấm, không ngoại lệ. Đồng thời, sẽ truy trách nhiệm cá nhân, tổ chức, người quản lý nếu có dấu hiệu buông lỏng hoặc tiếp tay vi phạm.

Tăng cường đảm bảo y tế phục vụ kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT“Tổng rà soát” ngành y tế, Bộ lập tổ kiểm tra liên hoàn trên 6 mặt trận

Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị chuyên môn về việc ứng dụng công nghệ, nâng cao truyền thông, giúp người dân nhận diện sản phẩm thật, để giải quyết tận gốc vấn đề.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thành lập 15 tổ kiểm tra liên quan lĩnh vực dược, mỹ phẩm, y dược cổ truyền, sữa, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế... 

Công tác này diễn ra trong tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ kéo dài từ nay đến 15/6.

Theo Bộ Y tế, từ năm 2020 đến tháng 5/2025, có hơn 400 cơ sở thực phẩm bị kiểm tra, 198 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 24 tỷ đồng. Riêng năm 2024, ngành y tế đã tổ chức gần 260 đoàn thanh, kiểm tra và ban hành 46 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực dược với tổng tiền trên 2,5 tỷ đồng.

Bộ Y tế đã tăng cường phối hợp liên ngành, ký quy chế phối hợp với Bộ Công an để điều tra và xử lý 31 vụ liên quan thực phẩm chức năng giả, chất cấm, giấy tờ giả.

Bạn đang đọc bài viết "Truy tận gốc vấn nạn hàng giả: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ" tại chuyên mục Sức khỏe. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).