Chuyên đề giới thiệu tới công chúng 182 hiện vật, hình ảnh, tài liệu, tập trung giới thiệu câu chuyện theo 5 nhóm nội dung: “Huy hiệu phản chiến của học sinh, sinh viên Mỹ;” “Huy hiệu phản chiến của các tổ chức thuộc Đảng Cộng sản Mỹ;” “Huy hiệu phản chiến của chiến binh Mỹ và phong trào chống quân dịch;” “Huy hiệu phản chiến của các tổ chức phong trào chính trị, xã hội, tôn giáo” và “Huy hiệu phản chiến của phong trào phụ nữ.” Ngoài hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày tại chuyên đề, khách tham quan sẽ có cơ hội được trải nghiệm thêm công nghệ scan 3D.
Với 182 hiện vật, hình ảnh, tài liệu, trưng bày tập trung giới thiệu câu chuyện theo 05 nhóm nội dung
Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Phó Giám đốc quản lý, phụ trách điều hành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, cho biết qua từng câu chuyện, chuyên đề góp phần mang đến cho công chúng cái nhìn chân thực về một “cuộc chiến” trong lòng nước Mỹ song hành với “cuộc chiến thực tế” đang diễn ra ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó phổ biến là việc phát hành và sử dụng những chiếc huy hiệu phản chiến. Theo thời gian, những chiếc huy hiệu này đã trở thành “chứng nhân,” mảnh ghép cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, lương tri và công lý diễn ra ngay tại nước Mỹ.
Theo ông Lâm Ngô Hoàng Anh, chuyên đề còn mang thông điệp về hòa bình, hữu nghị, một hoạt động có ý nghĩa trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng cải thiện và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa giữa những nhà hoạt động hòa bình tiến bộ, cựu chiến binh và nhân dân hai nước gắn với hòa giải, hàn gắn, khắc phục hậu quả chiến tranh đã, đang góp phần thúc đẩy, phát triển sâu sắc hơn mối quan hệ, hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.
Đông đảo du khách ngước ngoài tham quan chuyên đề
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Nhựt cho rằng: “Câu chuyện từ những huy hiệu phản chiến” là một chuyên đề hấp dẫn, đầy sáng tạo và đậm ân tình. Trong đó, những chiếc huy hiệu phản chiến mang nhiều ý nghĩa độc đáo, trở thành biểu tượng của khát vọng hòa bình, tiếng nói của chính nghĩa, yêu cầu chấm dứt chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.
Ông mong rằng thông qua những chiếc huy hiệu, thông điệp sâu sắc, nhân văn của người luôn đấu tranh cho hòa bình, cho chính nghĩa trên toàn thế giới sẽ được cảm nhận, chia sẻ và tiếp tục suy ngẫm, hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Chuyên đề “Câu chuyện từ những huy hiệu phản chiến” dự kiến được trưng bày đến tháng 3/2025, tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh./.
H.An