Tọa đàm “Thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng thông qua bảo hiểm tín dụng thương mại”

Doanh nhân và Tiêu dùng

28/03/2025 13:30

Ngày 28 /3/2025 tại TP.HCM – Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam (“FiinGroup”), phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (“IFC”) đồng tổ chức tọa đàm chuyên đề với chủ đề “Thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng thông qua bảo hiểm tín dụng thương mại”. Sự kiện có sự đồng hành của Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sỹ (SECO) và Mạng lưới Phát triển Cơ sở hạ tầng Tài chính (FIDN).

Với sự tham dự của hơn 100 chuyên gia và lãnh đạo cấp cao đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà cung ứng và tổ chức tài chính hàng đầu, tọa đàm hướng tới mục tiêu chia sẻ các giải pháp hỗ trợ hoạt động xuất khẩu bằng cách thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng thông qua ứng dụng dữ liệu và công nghệ để tối ưu vận hành và quản trị rủi ro, đồng thời tận dụng lợi thế của bảo hiểm tín dụng thương mại. Qua đó, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể giảm thiểu rủi ro mất khả năng thanh toán từ đối tác, bảo vệ doanh thu và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính.   

Các nội dung chính tại sự kiện bao gồm:

Xu hướng số hóa và phân tích dữ liệu trong bảo hiểm thương mại và tài chính chuỗi cung ứng. 

Cách tận dụng bảo hiểm tín dụng thương mại để giảm rủi ro và tối ưu hóa dòng tiền cho doanh nghiệp.

Thách thức trong việc triển khai bảo hiểm tín dụng thương mại tại Việt Nam và các giải pháp để khắc phục.

Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý chuỗi cung ứng dựa trên phân tích dữ liệu và thông tin kinh doanh.

ukmotion2-26-1743154198.jpg

Ông Jinchang Lai, Giám đốc điều hành & Trưởng bộ phận Cơ sở hạ tầng Tài chính, Châu Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC), Ngân hàng Thế giới. Với vai trò nhà tư tưởng hàng đầu về hạ tầng tài chính và tài chính bao trùm, ông Lai đã tích cực ủng hộ các chương trình cải cách tài chính và hỗ trợ nâng cao năng lực thị trường trên bình diện APEC.

Với hơn 37 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và đầu tư khu vực tư nhân, ông từng đảm nhiệm các vị trí chủ chốt tại IFC, Ngân hàng Phát triển Châu Phi và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ông cũng đã từng là thành viên hội đồng quản trị của một số tổ chức tín dụng vi mô lớn ở Trung Quốc và hiện là lãnh đạo của Mạng lưới Phát triển Hạ tầng Tài chính Châu Á – Thái Bình Dương (FIDN).

ukmotion1-62-1743154198.jpg

Ông Wang Hui, Chuyên gia bảo hiểm tín dụng thương mại, Công ty Môi giới Bảo hiểm Q&X (HK) Ltd chia sẻ nội dung: Thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng thông qua bảo hiểm tín dụng thương mại

Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm tín dụng và tài chính thương mại. Bắt đầu sự nghiệp từ năm 2002 tại New York, ông từng giữ các vị trí cao cấp tại các công ty đa quốc gia như AON, JLT Group và AU Group, và có kinh nghiệm làm việc tại Mỹ, Singapore, Châu Âu và Trung Quốc. Năm 2018, ông thành lập công ty môi giới bảo hiểm riêng tại Hồng Kông, cung cấp dịch vụ tư vấn rủi ro tín dụng cho doanh nghiệp ở Châu Á và toàn cầu chia sẻ : Xét trên phạm vi hẹp, bảo hiểm tín dụng thương mại là một giải pháp bảo hiểm khoản phải thu, giúp doanh nghiệp bảo vệ dòng tiền trước rủi ro khách hàng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Các rủi ro chính được TCI bảo hiểm bao gồm: 1) Khách hàng mất khả năng thanh toán; Khách hàng chậm thanh toán; Rủi ro chính trị (áp dụng cho các giao dịch xuất khẩu).

TCI không chỉ bảo hiểm rủi ro đối tác không thanh toán trong giao dịch thương mại mà còn bảo vệ các giao dịch tài trợ tài chính. Điều này có nghĩa là TCI có thể bảo hiểm cho cả hợp đồng mua bán giữa người bán và người mua, cũng như hợp đồng tài trợ giữa bên cấp vốn và bên vay.

Tuy nhiên, nguyên tắc cốt lõi của bảo hiểm tín dụng là phải gắn với "giao dịch thương mại cơ sở". Nếu liên quan đến tài trợ tài chính, hợp đồng bảo hiểm phải có liên kết trực tiếp với các giao dịch thương mại như: Bao thanh toán, Bao thanh toán ngược, Tài trợ trước giao hàng, Tài trợ nhà phân phối, Các khoản vay thương mại, v.v.

Thông thường, TCI bảo hiểm điều khoản thanh toán dưới 180 ngày đối với các hoạt động kinh doanh có tính luân chuyển thuờng xuyên nhưng cũng có thể bảo hiểm cấu trúc thanh toán theo cột mốc hoàn thành với thời hạn thanh toán hơn 1 năm đối với các hoạt động kinh doanh theo cơ sở dự án.

TCI thường bảo hiểm rủi ro theo cơ sở danh mục, tức là bảo hiểm cho nhiều khách hàng hoặc nhiều bên có nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, TCI cũng có thể bảo hiểm rủi ro riêng lẻ với một khách hàng hoặc một đối tác cụ thể.

Bảo hiểm Tín dụng Thương mại bao gồm các sản phẩm sau: Bảo hiểm Doanh thu Ngắn hạn toàn diện: Áp dụng cho 1 bên bán hàng cho nhiều khách hàng;  Bảo hiểm cho Khách hàng được chọn: Doanh nghiệp có thể lựa chọn chỉ bảo hiểm chỉ một số khách hàng nhất định; Bảo hiểm khách hàng đơn lẻ: Một/nhiều bên bán cùng bán hàng cho một khách hàng duy nhất; Bảo hiểm hợp đồng ngân hàng/bao thanh toán; Bảo hiểm tài trợ nhà phân phối; Bảo hiểm tín dụng cho khoản vay thương mại; Bảo hiểm tín dụng trung và dài hạn: Bảo hiểm các rủi ro thanh toán trong thời gian lên đến 15 năm (dự án EPC, cho thuê tài chính, và tài trợ máy móc thiết bị vốn, v.v.); Bảo hiểm đầu tư/ Bảo hiểm rủi ro chính trị; Bảo hiểm thanh toán trước

Các công ty bảo hiểm lớn (“Big 3”): Euler Hermes/Allianz Trade: Doanh thu năm 2024: 11,2 tỷ EUR; Giá trị giao dịch được bảo hiểm năm 2024: 1.400 tỷ EUR. Xếp hạng tín nhiệm: A+ (AM Best), Aa3 (Moody’s), AA (S&P): Atradius: Doanh thu năm 2024: 2,5 tỷ EUR. Xếp hạng tín nhiệm: A (AM Best), A1 (Moody’s): Coface: Doanh thu năm 2024: 1,85 tỷ Euro; Giá trị giao dịch được bảo hiểm năm 2024: 685 tỷ EUR. Xếp hạng tín nhiệm: A (AM Best), A1 (Moody’s), AA- (Fitch);
 50+ Công ty Bảo hiểm Tư nhân: AIG, Chubb/ACE, Zurich, Markel, Lloyds, v.v.
Các tổ chức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (ECAs) theo từng quốc gia: Ngân hàng EXIM của nhiều quốc gia, VECIC (Việt Nam), Sinosure (Trung Quốc), Ksure (Hàn Quốc), NEXI (Nhật Bản), HKECIC (Hồng Kông), ECIC (Nam Phi), v.v.
Các tổ chức đa phương: MIGA (www.MIGA.org), ICIEC (http://iciec.isdb.org), ATIDI (aitdi.africa), ADB (www.adb.org).

Vai trò của bảo hiểm tín dụng thương mại:

Dưới góc độ Kinh tế Vĩ mô: Tạo lập môi trường tín dụng thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Tăng cường tăng trưởng kinh tế, mở rộng quy mô doanh nghiệp. Hỗ trợ phát triển “kinh tế thực”, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Góc độ Kinh tế Vi mô (từng Doanh nghiệp); Mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng mới. Tăng doanh số mà không gia tăng rủi ro. Dễ dàng tiếp cận các khoản tài trợ thương mại.

Góc độ tài trợ tài chính: Bảo hiểm tín dụng giúp bảo vệ doanh nghiệp khỏi rủi ro không thanh toán trong giao dịch thương mại, từ đó hỗ trợ tài trợ thương mại. Tại các thị trường tài chính phát triển, bảo hiểm tín dụng và SCF gần như là hai yếu tố gắn kết chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau.

Bên cạnh đó bảo hiểm tín dụng thương mại còn là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho tài trợ chuỗi cung ứng, Xây dựng hệ sinh thái “Đa phương đều có lợi” trong SCF. Tài trợ Chuỗi Cung ứng hướng tới Kỷ nguyên Số.

Vai trò của các bên trong Hệ sinh thái SCF

Đối với doanh nghiệp: Minh bạch hơn. Chia sẻ thông tin, dữ liệu số hóa, dữ liệu từ bên thứ ba. Tăng cường uy tín. Tránh che giấu thông tin hoặc gian lận.

Đối với Công ty Bảo hiểm Tín dụng: Hỗ trợ nhiều hơn: Công ty bảo hiểm truyền thống quá thận trọng trong việc cấp hạn mức bảo hiểm. Hiện nay, các công ty bảo hiểm có nhiều cách/dữ liệu để cải tiến việc thẩm định như đưa ra phạm vi bảo hiểm vừa đủ. Chủ động hơn: Theo dõi rủi ro liên tục thay vì chỉ tập trung vào yếu tố tiêu cực và lo lắng về rủi ro. Đổi mới hơn: Đưa ra các sản phẩm bảo hiểm mới như tài trợ đơn đặt hàng (PO Financing).

Đối với Nhà tài trợ: Cởi mở hơn: Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đánh giá và quản lý rủi ro. Sáng tạo hơn: Đáp ứng nhu cầu khách hàng như doanh nghiệp thương mại điện tử. Tăng cường hợp tác: Các công ty bảo hiểm và đối tác dữ liệu độc lập.

ukmotion1-76-1743154198.jpg

Ông Nguyễn Hữu Hiệu, Đồng sáng lập - Tổng Giám đốc, FiinGroup: Ông Hiệu là một nhà điều hành dày dặn kinh nghiệm với hơn 27 năm hoạt động đa dạng trong lĩnh vực tư vấn chiến lược, quản trị doanh nghiệp, phát triển quốc tế và dịch vụ tài chính. Ông đã lãnh đạo nhiều dự án tư vấn và M&A có tác động lớn cho các tổ chức danh giá như Ngân hàng Thế giới, IFC, GIZ, USAID, JETRO, JICA, KOICA, HOSE và các tập đoàn toàn cầu như Samsung, SK Group, Lotte và Taekwang. Trước khi thành lập FiinGroup, ông đã đảm nhiệm vai trò Cố vấn Quản trị tại DFID (Anh), Nhân viên Phát triển Khu vực Công tại IFC và Quản lý Tư vấn tại PwC Việt Nam trình bày nội dung Tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng dựa trên dữ liệu: Từ lựa chọn đối tác đến kiểm soát rủi ro

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Cán bộ Quản lý Chương trình Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính tại Việt Nam và Cam-pu-chia của IFC: Với hơn 20 năm kinh nghiệm, bà Huyền đã làm việc trong cả khu vực công và tư ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Ấn Độ, góp phần quan trọng vào cải cách hạ tầng tài chính và thúc đẩy tính bao trùm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước khi gia nhập IFC từ năm 2005, bà có 8 năm kinh nghiệm tại UNDP và DANIDA, tham gia các dự án cải cách pháp lý tại Việt Nam. Bà Huyền là luật sư được chứng nhận, sở hữu bằng LLM và MBA, đồng thời là  hòa giải viên được công nhận bởi CEDR (UK). 

ukmotion1-12-1743154198.jpg

Bà Vũ Thị Đức Hạnh, Giám Đốc Quốc Gia, Atradius Việt Nam: Trước khi giữ vai trò hiện tại vào năm 2019, bà Hạnh từng là Chuyên viên Quản lý Khách hàng của Atradius ở Singapore. Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực Tài chính, Kế toán, và Nghiên cứu Kinh tế, bà Hạnh từng công tác ở vị trí Phát triển Kinh doanh tại công ty Marsh & McLennan, Kế toán Trưởng tại Công ty Môi giới Bảo hiểm HSBC và Chuyên viên Nghiên cứu và Phân tích tại Horizon Capital Advisers. Hiện nay, bà chịu trách nhiệm quản lý đội ngũ và giám sát việc truyền đạt thông tin chất lượng cao về rủi ro tín dụng cũng như xác định các cơ hội thương mại nội địa và xuất khẩu có giá trị. 

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc khối Thông tin Doanh nghiệp, FiinGroup: Ông Nam hiện là Phó giám đốc khối Thông tin Doanh nghiệp, phụ trách Mô hình Rủi ro và Phân tích Dữ liệu, chuyên sâu về các lĩnh vực như chấm điểm tín dụng và cảnh báo sớm rủi ro, tối ưu hóa danh mục cho mục tiêu quản trị rủi ro và kinh doanh. Tham gia ngành Tài chính Ngân hàng từ 2012, trải qua nhiều vị trí cấp cao tại FiinGroup, KPMG và NICE Holdings, ông Nam đã đóng góp vào thành công trong chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu & phân tích, nâng cao chuẩn mực tài chính, rủi ro cho nhiều tổ chức tài chính trên thị trường.

Tọa đàm không chỉ là diễn đàn chuyên sâu chia sẻ tri thức và kinh nghiệm thực tiễn mà còn mở ra cơ hội kết nối và hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp với các tổ chức tài chính, bảo hiểm và công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước.

Thông tin về FiinGroup:

Thành lập vào năm 2008 với sứ mệnh "Soi sáng thị trường", đến nay, FiinGroup tự hào khẳng định vị thế là đơn vị dẫn đầu trong cung cấp các giải pháp dữ liệu tài chính và thông tin doanh nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, FiinGroup đang phát triển một hệ sinh thái dữ liệu toàn diện với các dịch vụ liên quan như phân tích dữ liệu, nghiên cứu thị trường, phân tích chuyên sâu, đánh giá doanh nghiệp, xếp hạng tín nhiệm. Ứng dụng công nghệ AI, Big Data và Machine Learning, các sản phẩm, dịch vụ của FiinGroup không chỉ đảm bảo độ chính xác của thông tin thông qua nguồn dữ liệu minh bạch, chính thống, cập nhật mà còn tối ưu khả năng khai thác giá trị của dữ liệu thông qua tích hợp các công cụ phân tích chuyên sâu và biểu đồ trực quan tùy chỉnh, mang lại những trải nghiệm tối ưu cho khách hàng.
Các sản phẩm, dịch vụ nổi bật của FiinGroup bao gồm:

FiinPro-X platform là nền tảng dữ liệu tài chính chuyên sâu cho các nhà đầu tư tổ chức, công ty chứng khoán, định chế tài chính, ngân hàng và quỹ đầu tư, giúp xây dựng hệ thống dữ liệu nội bộ vững mạnh, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, lập kế hoạch, ra quyết định chính xác. Ngoài dữ liệu về cổ phiếu của gần 2,000 doanh nghiệp đại chúng, FiinPro-X là nơi có dữ liệu chi tiết về toàn bộ gần 10,000 mã trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.

Nền tảng FiinGate cung cấp dữ liệu về hơn 2 triệu doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp tại hơn 190 quốc gia, hỗ trợ đắc lực cho việc tra cứu, truy vấn thông tin đối tác, đối chiếu với các bên liên quan, đánh giá năng lực và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, quản trị rủi ro và đánh giá tiềm năng thị trường.
FiinResearch cung cấp các báo cáo chuyên sâu về tổng quan thị trường, các phân khúc, phân tích theo ngành nghề và đánh giá chuyên đề, tìm kiếm doanh nghiệp mục tiêu và thực hiện M&A cũng như xử lý và bảo vệ hồ sơ tập trung kinh tế với cơ quan chức năng.

FiinRatings, công ty thành viên của FiinGroup, là đơn vị xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp phép, mà S&P Global Ratings (Tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới) mới đây đã ký kết đầu tư chiến lược để trở thành cổ đông. FiinRatings cung cấp dịch vụ định hạng tín nhiệm, đánh giá tín dụng cho doanh nghiệp, tổ chức phát hành trái phiếu và các công cụ trái phiếu. Đặc biệt, FiinRatings có dịch vụ về ESG và Tài chính xanh xác nhận trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững.

H.An

Bạn đang đọc bài viết "Tọa đàm “Thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng thông qua bảo hiểm tín dụng thương mại”" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).