Thêm một tỉnh thành ở Việt Nam muốn làm dự án chưa từng có tiền lệ, Thủ tướng hồi đáp ra sao?

Admin

04/12/2024 17:41

Tỉnh tăng trưởng hàng đầu Việt Nam muốn làm dự án chưa từng có tiền lệ, tương tự với mô hình ở TP Đà Nẵng.

Gần đây, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng, với chủ đề: Tăng trưởng kinh tế "2 con số" vùng Đông Nam Bộ năm 2025: "Thách thức, cơ hội và giải pháp".

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo giao Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp thúc đẩy triển khai đề án xây dựng khu thương mại tự do trên địa bàn tỉnh.

Vậy tại sao Bà Rịa - Vũng Tàu lại đề xuất hình thành khu thương mại tự do?

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất hình thành khu thương mại tự do

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Phạm Viết Thanh đã có một bài phát biểu nổi bật tại phiên toàn thể của Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển khu thương mại tự do kết hợp với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Thanh cho rằng, đây là một bước đi chiến lược quan trọng nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics cho khu vực Đông Nam Bộ. Cụ thể, việc xây dựng Khu thương mại tự do gắn với cảng biển Cái Mép Hạ sẽ được kết nối một cách đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải, tạo ra một lợi thế cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ cho khu vực quốc gia.

Thêm một tỉnh thành ở Việt Nam muốn làm dự án chưa từng có tiền lệ, Thủ tướng hồi đáp ra sao?- Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024. Ảnh: Báo Thanh tra

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh này sở hữu vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ ra Biển Đông của khu vực Đông Nam Bộ cũng như của cả nước, với thiên nhiên ưu ái và con người hiền hòa, mến khách. Tỉnh có mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2024 là 11,47%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua và đứng thứ 4 cả nước.

Trong những năm gần đây, với sự quan tâm đặc biệt từ Trung ương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là hệ thống giao thông khu vực Đông Nam Bộ và liên vùng.

Đồng thời cùng với sự phát triển của Cảng hàng không quốc tế Long Thành và kế hoạch hiện đại hóa Cảng biển Cái Mép - Thị Vải, mục tiêu nâng cấp cảng này trở thành trung tâm chuyển tải quốc tế hàng đầu khu vực và thế giới đang dần thành hiện thực. Mô hình "cảng xanh, logistics xanh" sẽ giúp thúc đẩy sự hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc sớm hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển Cái Mép Hạ là thật sự cần thiết, được nêu rõ trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thêm một tỉnh thành ở Việt Nam muốn làm dự án chưa từng có tiền lệ, Thủ tướng hồi đáp ra sao?- Ảnh 2.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Cái Mép Hạ được Chính phủ xác định thuộc các dự án bến cảng biển ưu tiên đầu tư đến năm 2030. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết trên báo Nhân Dân rằng: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có bờ biển dài khoảng 300km, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức đang được đầu tư hiện đại và đồng bộ.

Chính vì vậy, việc phát triển khu thương mại tự do Cái Mép Hạ kết hợp với hành lang công nghiệp - đô thị Đông Tây sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho nền kinh tế của vùng mà còn cho cả quốc gia.

Ông Tĩnh khẳng định rằng sự ra đời của khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận hàng hóa từ các quốc gia khác một cách nhanh chóng và hiệu quả. Bên cạnh đó, khu thương mại này cũng sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao sang những thị trường lớn như châu Âu và Bắc Mỹ. 

Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam phát triển nền kinh tế số, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trên thị trường quốc tế.

Mô hình khu thương mại tự do chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam

Cũng tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đã chia sẻ rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, khu thương mại tự do đã chứng minh là mô hình hiệu quả trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cũng như phát triển ngành logistics.

Theo ông Sơn, các khu thương mại tự do cung cấp một cơ chế thông thoáng, giúp doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi về miễn thuế, giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Điều này mang lại ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam, một nền kinh tế có độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và đang mở rộng quan hệ thương mại qua các hiệp định tự do thương mại (FTA) với các đối tác quan trọng, ông Sơn nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương khẳng định rằng lợi ích của khu thương mại tự do đối với sự phát triển kinh tế đã được chứng minh qua thực tế ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có khu thương mại tự do chính thức nào được hình thành.

Thêm một tỉnh thành ở Việt Nam muốn làm dự án chưa từng có tiền lệ, Thủ tướng hồi đáp ra sao?- Ảnh 3.

Quốc hội đã đồng ý thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Ảnh: VTV Times

Hiện tại, ngoài mô hình khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, đã được Quốc hội phê duyệt triển khai theo cơ chế thí điểm, Việt Nam chưa từng có tiền lệ về mô hình này nên pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định đầu tư, thành lập, cũng như mô hình quản lý, cơ chế hoạt động và phân cấp quản lý để có thể áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Được biết, TP Đà Nẵng hiện đang lấy ý kiến của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp về những phương án phát triển Khu Thương mại tự do Đà Nẵng (DFTZ) – mô hình đầu tiên được cho phép thí điểm thành lập tại Việt Nam – trước khi gửi đề án lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối năm nay.

Đà Nẵng dự kiến xây dựng một khu thương mại tự do phân tán với 9 vị trí chính, được thiết kế thành các khu chức năng bao gồm: khu sản xuất, khu logistics, và khu thương mại - dịch vụ, với tổng diện tích hơn 1.700 ha.

Thêm một tỉnh thành ở Việt Nam muốn làm dự án chưa từng có tiền lệ, Thủ tướng hồi đáp ra sao?- Ảnh 4.

TP Đà Nẵng. Ảnh: Báo Đầu tư

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, khu thương mại tự do sẽ đóng góp trực tiếp từ 1-2% GRDP TP Đà Nẵng và thu hút khoảng 21.000 lao động. Đến năm 2040, tỷ lệ đóng góp dự kiến tăng lên 9,5% GRDP và 90.000 lao động. Đến năm 2050, kỳ vọng khu vực này sẽ chiếm 17,9% GRDP và tạo việc làm cho 127.000 lao động.

Dự án sẽ tập trung phát triển bốn ngành ưu tiên gồm: logistics, sản xuất, thương mại và dịch vụ, cùng đổi mới sáng tạo. Khu thương mại tự do được kỳ vọng trở thành trung tâm vận tải đa phương thức, dịch vụ phụ trợ và kho bãi chất lượng cao.


Bạn đang đọc bài viết "Thêm một tỉnh thành ở Việt Nam muốn làm dự án chưa từng có tiền lệ, Thủ tướng hồi đáp ra sao?" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0359 276 785 hoặc gửi về địa chỉ email ([email protected]).