Trong một bài viết mới được đăng tải trên Harvard Business Review , Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO) của Goldman Sachs, ông Marco Argenti, cho biết rằng AI hiện có thể viết code chất lượng cao, đôi khi còn vượt trội hơn con người. Đặc biệt, khả năng của nó sẽ còn tiến bộ hơn trong tương lai.
Vậy làm thế nào để kỹ sư lập trình đuổi kịp AI? Ông Argenti đã khuyên con gái đang tuổi học đại học như thế này: "Nếu con muốn theo đuổi sự nghiệp kỹ thuật, con nên học thêm triết học bên cạnh các khóa học kỹ thuật truyền thống".
Lời nhận định của CIO Argenti dựa trên chính kinh nghiệm cũng như tầm nhìn của ông về tương lai 4.0 sắp tới. Bản thân Argenti là một kỹ sư có nền tảng trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, và từng giữ vai trò lãnh đạo tại các tập đoàn lớn như Amazon Web Services và Nokia.

Marco Argenti, CIO của Goldman Sachs - Ảnh: Internet.
Ông cho rằng các khóa học chuyên môn thường thấy là chưa đủ trong bối cảnh AI ngày càng phức tạp: code do AI tạo ra có thể đúng về mặt kỹ thuật, nhưng không thực sự đáp ứng được mục đích mong muốn. (Lại là bài toán đồng thuận đó nhỉ?).
Nếu một kỹ sư không đưa ra prompt phù hợp, AI có thể tạo ra đoạn mã chỉ đúng một phần trong trường hợp tốt nhất và hoàn toàn sai trong trường hợp tệ nhất. Tuy nhiên, những kỹ sư có nền tảng triết học sẽ có khả năng suy luận và tư duy với nguyên lý gốc (tiếng Anh: first-principle thinking) để theo kịp sự phát triển này.
Trong triết học và khoa học, nguyên lý đầu tiên hay nguyên lý gốc (first principle) là một mệnh đề hoặc giả định cơ bản, không thể suy diễn từ bất kỳ mệnh đề hoặc giả định nào khác.
Tư duy với nguyên lý gốc sẽ giúp chúng ta chia nhỏ những khái niệm phức tạp, vĩ mô thành những yếu tố cơ bản, dễ hiểu - những nguyên lý gốc. Tiếp tục kết hợp những nguyên lý gốc này lại, chúng ta sẽ có thể có được sự sáng tạo, thoát khỏi khuôn khổ gò bó của suy nghĩ tuyến tính.
Câu hỏi đặt ra cho các kỹ sư trong tương lai không còn là "Bạn có biết lập trình không?", mà là "Bạn có thể khai thác tối đa khả năng của AI bằng cách đặt đúng câu hỏi không?".

Hình minh họa.
Kỹ thuật tạo lời nhắc cho AI (AI prompt engineering), tức là giao tiếp với AI bằng những từ ngữ tối ưu để có được kết quả mong muốn, đang trở thành một lĩnh vực mới nổi. Theo nhận định của Jaime Teevan, nhà khoa học trưởng tại Microsoft, giao tiếp với AI khác với việc chỉ dẫn một thành viên trong nhóm. AI cần nhiều bối cảnh hơn và có thể cần được diễn đạt lại hoặc cung cấp ví dụ trước khi tạo ra một kết quả có thể sử dụng được.
Robin Stein, đối tác tại PricewaterhouseCoopers (PwC), chia sẻ với tạp chí CIO rằng PwC "nhanh chóng nhận ra việc phải nâng cao kỹ năng cho 75.000 nhân viên về nền tảng của AI tạo sinh, cách áp dụng AI có trách nhiệm, và cách trở thành một kỹ sư prompt".
Argenti nhấn mạnh rằng trong thời đại AI có thể tạo ra thông tin sai lệch thông qua hiện tượng ảo tưởng (AI hallucination), việc đặt đúng câu hỏi và áp dụng tư duy triết học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Ông viết: "Có một mô hình tư duy rõ ràng về vấn đề, có khả năng chia nhỏ nó thành các bước có thể giải quyết, tư duy theo nguyên lý gốc một cách hoàn hảo, đôi khi sẵn sàng (và có thể) tranh luận với một AI cứng đầu - đây là những kỹ năng sẽ tạo nên một kỹ sư xuất sắc trong tương lai, và rất có thể những yêu cầu tương tự cũng sẽ áp dụng cho nhiều ngành nghề khác".
