Lý do khiến chị ra đi xuất phát từ chính sách tiền lương của công ty cũ. Chị A. cho biết khi ký hợp đồng lao động, chị được công ty nhắc nhở về quy tắc "bí mật tiền lương" (không công khai kể cả với đồng nghiệp).
Thời điểm đó, thấy mức thu nhập ổn định (13 triệu đồng/tháng, sau tăng 17 triệu đồng/tháng), chị không có ý kiến gì về vấn đề này. Cho đến Tết Nguyên đán vừa qua, khi nhận thưởng, một đồng nghiệp vô tình để lộ thông tin được thưởng hơn 20 triệu đồng (thưởng 1 tháng lương thực nhận), chị mới phát hiện vấn đề chênh lệch thu nhập.
"Làm cùng vị trí với tôi, phụ trách khác dự án nhưng độ phức tạp công việc như nhau, đồng nghiệp này mới vào hơn 1 năm nhưng thu nhập lại cao hơn tôi. Điều này là không công bằng" - chị A. kể. Bức xúc, chị khiếu nại lên phòng nhân sự và được trả lời rằng không tuân thủ nguyên tắc "bí mật tiền lương".
Bởi lẽ, người mới do sếp mời về, với thỏa thuận mức lương ít nhất bằng ở công ty cũ. Còn các nhân viên cũ vẫn tăng lương theo lộ trình bình thường. Sau quá trình thương lượng tăng lương không thành, chị quyết định dứt áo ra đi.
TS Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết việc người sử dụng lao động trong nhiều ngành nghề tự đưa ra nguyên tắc coi "tiền lương là bí mật kinh doanh" khá phổ biến. Pháp luật không quy định nghĩa vụ phải công khai tiền lương nên họ có quyền xem thông tin tiền lương là bí mật kinh doanh, đưa vào nội quy, quy chế của đơn vị, rằng người lao động (NLĐ) không được tiết lộ thông tin về tiền lương của mình.
Từ góc nhìn khoa học, việc tiền lương là bí mật kinh doanh cho thấy DN đang cạnh tranh bằng chi phí lao động thấp, thay vì phải cạnh tranh bằng chi phí lao động cao như quy luật cung - cầu theo thị trường lao động. Tức là DN có thể trả lương thấp hơn mà không lo NLĐ so sánh tiền lương và nhảy việc hoặc chuyển việc. Từ góc nhìn của lợi ích công, bí mật tiền lương ảnh hưởng tới sự phát triển đầy đủ của thị trường lao động, cản trở sự vận hành quy luật cạnh tranh trên thị trường lao động.
Bí mật tiền lương cũng có thể dẫn tới thực hành phân biệt đối xử về tiền lương giữa những NLĐ làm công việc như nhau hoặc có giá trị như nhau nhưng được trả lương khác nhau. Ngoài ra, bí mật này còn cản trở NLĐ tham chiếu mức lương của các đơn vị khác để tạo lực đẩy cho thương lượng tập thể về cải thiện tiền lương.
"Nói cách khác, bí mật tiền lương cản trở NLĐ cùng nhau đoàn kết trong thương lượng tập thể nhằm cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc chung của họ" - bà Lan phân tích.