Sáp nhập đơn vị hành chính: Nghiên cứu giữ tên gọi thành phố đặc thù

Admin

02/04/2025 21:00

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, khi sáp nhập đơn vị hành chính, nên giữ tên gọi thành phố, thị xã - dù "to" hơn cấp xã, phường bình thường, nhưng vẫn đảm bảo "là cấp cơ sở".

Thưa ông, hiện nay, có ý kiến cho rằng, nên tiến hành nghiên cứu sáp nhập để một số tỉnh hướng ra biển, tạo động lực phát triển mới. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi nghĩ rằng, đó là một định hướng cần nghiên cứu triển khai. Ví dụ như một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên không giáp biển. Việc nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh để hướng ra biển sẽ phát huy các lợi thế cần thiết, hợp lực để phát triển. Hay có thể nghiên cứu Hưng Yên hướng ra biển với tỉnh Thái Bình, hay Hải Dương có thể hướng ra biển với TP Hải Phòng...

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có thông tin, trong phương án trình cấp có thẩm quyền, dự kiến cả nước sẽ còn khoảng 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập. Việc nghiên cứu sáp nhập các tỉnh, thành phố, tôi nghĩ là cần thiết để tạo động lực phát triển rộng hơn, bởi như tôi đã nhiều lần nêu ý kiến, điều này tạo dư địa phát triển lớn hơn cho các địa phương.

Sáp nhập đơn vị hành chính: Nghiên cứu giữ tên gọi thành phố đặc thù- Ảnh 1.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. Ảnh: PV.

Thưa ông, liên quan đến việc sáp nhập, dư luận cũng rất quan tâm đến chuyện đặt tên đơn vị hành chính mới. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Liên quan chuyện tên gọi đơn vị hành chính mới thì hiện có nhiều ý kiến. Tôi thấy có nhiều phương án, trong đó có cả phương án ở cấp cơ sở sẽ đánh số thứ tự 1, 2, 3... Nhưng phương án đó khiến nhiều người băn khoăn, dù biết sẽ thuận tiện trong việc số hoá và quản lý. Nhiều địa phương cũng đề xuất đặt tên phường, xã theo hướng đánh số thứ tự. Quan điểm của tôi là nên cố gắng giữ tên truyền thống.

Ví dụ, khi nhập lại, thì có 3 lựa chọn đặt tên. Một là, nếu ghép được tên lại, có ý nghĩa, tên đẹp thì nên sử dụng. Như trước kia có các tên gọi tỉnh Hà Nam Ninh, Hà Bắc. Hai là, nếu ghép vào không thuận, thì nên đặt theo tên mới. Nhưng tên mới có nên lấy tên của một đơn vị này mà xoá tên một đơn vị kia hay không. Bởi, dù nói rộng ra, đất nước là quê hương nói chung, nhưng tâm tư người dân về tên gọi quen thuộc của họ vẫn có, rất lưu luyến. Mỗi tỉnh đều có lịch sử văn hoá, truyền thống lâu đời... Theo tôi, nên cân nhắc từng trường hợp cụ thể, nếu ghép được tên mà hay, thuận, thì rất nên quan tâm.

Phương án theo số để thuận tiện trong quản lý và số hoá, nhưng theo tôi, nếu đặt được tên có ý nghĩa, có yếu tố lịch sử, văn hoá, có truyền thống, gắn bó lâu đời với người dân thì nên ưu tiên. Nhân dân rất đồng tình chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính, và nếu giữ lại được tên gọi quen thuộc với nhân dân thì tốt hơn.

Mới đây, tại cuộc làm việc tại Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm thông tin, dự kiến trên cả nước sẽ còn khoảng 5.000 xã, phường sau sáp nhập. Như vậy, dự kiến sẽ giảm 1/2 số xã, phường so với hiện nay. Theo ông, số lượng xã, phường ở mức 5.000 đơn vị thì tiêu chí ra sao?

Điều quan trọng khi nghiên cứu sáp nhập địa giới hành chính cấp cơ sở là phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp thực tiễn, bảo đảm sát dân, gần dân nhất. Về số lượng đơn vị hành chính cấp cơ sở tôi nghĩ rằng, cần nghiên cứu cụ thể theo nguyên tắc trên. Nếu còn khoảng 5.000 xã, phường sau sáp nhập, thì sẽ giảm một nửa so với hiện tại. Để đảm bảo chính quyền cấp cơ sở hiệu lực, hiệu quả, sát dân, gần dân, hiện nay, trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đã có nhiều nội dung đề xuất về mô hình tổ chức phù hợp. Theo tôi được biết, dự kiến, số lượng cán bộ cấp cơ sở cũng đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao, bởi khoảng 85% các nhiệm vụ của huyện trước đây sẽ chuyển về cấp cơ sở.

Với một số thành phố lớn, cấp phường có quy mô dân số lớn, tôi nghĩ rằng sẽ có cơ chế đặc biệt để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ví dụ như Hà Nội, TPHCM đều có các quy định đặc thù trong các luật, nghị quyết về cơ chế đặc thù đã được ban hành.

Thưa ông, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp cấp xã, cần thiết giữ tên gọi thành phố để phù hợp với xu hướng đô thị hoá hiện nay?

Việc này tôi đã nhiều lần nêu ý kiến. Hiện nay, theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, chính quyền cấp cơ sở có 3 loại hình: xã, phường, đặc khu. Quan điểm của tôi là nên giữ lại tên các thành phố, thị xã - nhưng thành phố, thị xã đó tương đương cấp cơ sở: xã, phường, đặc khu. Xu hướng thế giới hiện nay đang đẩy mạnh đô thị hoá, và thành phố là hạt nhân trong phát triển đô thị, là động lực phát triển của khu vực đó. Tôi biết rằng, nhiều chuyên gia cũng chung đề xuất như vậy. Ví dụ, TPHCM có thành phố Thủ Đức - là một động lực phát triển của TPHCM; hay như mới đây thành lập thành phố Thuỷ Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng; Hà Nội cũng có định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô để tạo động lực phát triển... Tôi nghĩ rằng, nên giữ tên gọi thành phố, thị xã - dù "to" hơn cấp xã, phường bình thường, nhưng vẫn đảm bảo "là cấp cơ sở".

Theo ông, khi nghiên cứu sáp nhập tỉnh, thành , trung tâm hành chính mới nên được lựa chọn, đặt vị trí ra sao?


Theo tôi, khi sáp nhập tỉnh , không thể nào chuyển trung tâm hành chính sang vùng giáp ranh 2 tỉnh được. Nên chọn khu vực đã có sẵn cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng làm trung tâm, có thuận lợi cho phát triển. Hiện nay, các công việc chủ yếu ở cấp cơ sở, trên môi trường mạng, nên đối với người dân, việc đặt trung tâm hành chính ở đâu không quá quan trọng, nhưng với cán bộ - đặc biệt là cán bộ cấp tỉnh thì có nhiều tâm tư bởi có thể phải di chuyển xa địa điểm làm việc cũ.


Về vấn đề sắp xếp trụ sở, tài sản công, chúng ta cần rút kinh nghiệm từ đợt sắp xếp, hợp nhất một số huyện, xã thời gian trước. Cần sớm định giá, chuyển công năng sử dụng các trụ sở, tài sản công. Có thể chuyển công năng trụ sở thành trường học, nhà văn hoá, hoặc cho doanh nghiệp đấu giá, khai thác sử dụng hay không?...

Bạn đang đọc bài viết "Sáp nhập đơn vị hành chính: Nghiên cứu giữ tên gọi thành phố đặc thù" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).